Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Xuất khẩu - Điểm sáng của nền kinh tế

(HNM) - Nếu như cách đây 5 năm, nền kinh tế luôn phải phấn đấu, nỗ lực ở mức cao nhất để đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 10%, thì đến nay mục tiêu đó đã dễ dàng hơn. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn đạt hơn 10% trong vài năm gần đây và đáng mừng là xu hướng này đã trở thành “quán tính” và là điểm sáng của nền kinh tế trong giai đoạn hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

                                 Sản xuất áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành

Kết quả khả quan

Hoạt động xuất khẩu 4 tháng qua tiếp tục thể hiện sức mạnh, cũng là khẳng định xuất khẩu là động lực của nền kinh tế. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả nước đã đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả rất tích cực và đáng mừng hơn là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước cũng đạt mức 17,9% - đang từng bước rút ngắn khoảng cách so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Điểm nhấn mới là đã có 16 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD, trong đó hàng dệt và may mặc: 8,625 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ: 2,617 tỷ USD; thủy sản: 2,418 tỷ USD; cà phê: 1,332 tỷ USD; rau quả: 1,290 tỷ USD; nhân điều: 1,052 tỷ USD; gạo: 1,1 tỷ USD; túi sách, vali, mũ, ô dù: 1,042 tỷ USD... 

Các chuyên gia cho rằng, kết quả trên cho thấy dư địa để tiếp tục tăng số lượng mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD vẫn còn nhiều, bởi đến nay nền kinh tế mới đi qua 1/3 thời gian của năm kế hoạch 2018. Tính chung, riêng 16 nhóm mặt hàng này đạt kim ngạch 60,34 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Do xuất khẩu tăng khá mạnh và liên tục nên nền kinh tế chiếm thế thượng phong trong giao thương quốc tế với kết quả xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và tạo ra thặng dư 3,39 tỷ USD trong 4 tháng qua. Dự báo, xu hướng xuất siêu này sẽ tiếp đà tăng tiến qua các tháng từ nay đến hết năm.

Theo Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay có nhiều thuận lợi, khi một số nhóm hàng chủ lực thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; nhiên liệu khoáng sản; nông, lâm, thủy sản đều có mức tăng trưởng xuất khẩu vượt trội. Các thị trường xuất khẩu chính, truyền thống vẫn giữ vững tốc độ “nhập hàng” Việt và cộng đồng doanh nghiệp Việt đang chủ động trong việc tận dụng, khai thác lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. 

Nhân lên lợi thế, khắc phục hạn chế

Để giữ vững phong độ xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, nhất là thị hiếu và sức mua gắn liền với quy định pháp lý, yêu cầu về độ an toàn và xuất xứ... của nước sở tại. Đây là chuỗi hoạt động quản lý đang được nhấn mạnh nhằm kết hợp tư vấn và cảnh báo cho doanh nghiệp, tránh thiệt hại trong giao thương quốc tế. 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cơ quan chức năng cần tập trung tăng hiệu quả công tác xúc tiến, trong đó đội ngũ tham tán thương mại phải vào cuộc đồng bộ để cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp trong nước cũng như cảnh báo những vấn đề nảy sinh, nguy cơ rủi ro hoặc tranh chấp, khiếu kiện.

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (thuộc Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, thay vì dàn trải trong xúc tiến thì thời gian tới hoạt động này sẽ tập trung vào những mặt hàng có lợi thế, giàu sức cạnh tranh cũng như kết hợp nâng cao thương hiệu, giá trị gia tăng cho sản phẩm Việt - tức là xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm. 

Ngoài ra, cơ quan chức năng, cán bộ chuyên trách cũng sẵn sàng giúp doanh nghiệp kết nối với bạn hàng, thậm chí giúp thiết kế gian hàng, trưng bày sản phẩm, thực hiện giao dịch cụ thể... Tuy nhiên, hiện nay kinh phí hỗ trợ dành cho xúc tiến thương mại còn rất hạn chế, mới bằng 1/10 của Thái Lan nên đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ phía các đơn vị hữu quan.

Về phía mình, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực/ngành hàng cũng chủ động “gạn đục, khơi trong” nhằm nhân lên những lợi thế, tiềm năng; đồng thời nhận diện để khắc phục hạn chế. Đơn cử, ngành Nông nghiệp cố gắng phát huy thế mạnh của một số loại quả nhiệt đới, có giá trị xuất khẩu cao như cà phê, xoài, thanh long, điều... để mở rộng xuất khẩu trong lúc nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang ở mức cao. 

Đặc biệt, việc xuất khẩu hải sản sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU) đang đứng trước khả năng có thể tái lập, nhưng gắn liền với điều kiện là đáp ứng nghiêm túc quy định về xuất xứ, chất lượng, quy tắc đánh bắt. Nhất là ngư dân, hoặc doanh nghiệp đánh bắt phải thực hiện tốt việc ghi nhật ký khai thác, với đầy đủ tọa độ trên biển để đối tác nhập khẩu đối chiếu và chấp nhận.

Trong khi đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng biện pháp, cơ chế phù hợp để doanh nghiệp khi sử dụng vải trong nước sản xuất hàng xuất khẩu không phải nộp thuế giá trị gia tăng. 

Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam, mỗi đơn vị cần xác định thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh việc quá tập trung vào một thị trường nào đó cũng như biết nắm bắt tình hình để tránh nguy cơ khiếu kiện, tranh chấp thương mại.

Tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ nhờ quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành; từ đó tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh doanh. Mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng khoảng 10% sẽ đạt được và đạt vượt mức kế hoạch đã đề ra.
                                                                                                    Hồng Sơn

TAGS :

may-mac thuan-loi xuat-khau