Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Vẫn chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp

Thu hút được đông đảo DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng.

Chưa thoát được con số 1%

 

Một ngày đầu tháng 3/2018, chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với doanh nhân Nguyễn Trọng Cử, một người khá nổi tiếng trong giới nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Ông Cử cho biết, là một luật gia - Việt kiều Đức, cách đây 8 năm, ông trở về Việt Nam và quyết định lập DN đầu tư vào lĩnh vực thủy sản nước lạnh. Với một trang trại ban đầu tại Sa Pa (Lào Cai), Công ty TNHH Thương mại đầu tư Việt - Đức của ông là DN Việt Nam đầu tiên thực hiện nuôi cá tầm Siberi và cá tầm Nga và đến nay đã phát triển được 6 trang trại nuôi cá tầm, cá hồi ở 4 địa phương (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và Hòa Bình). Mỗi năm hệ thống trang trại của DN này sản xuất khoảng 4 -5 triệu con cá giống, sản lượng thương phẩm cá tầm, cá hồi đạt 100 tấn/năm. Vừa tạo việc làm, vừa mang lại sản phẩm mới và cải thiện sức khoẻ cộng đồng, đó là mục tiêu của ông khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ và rất mạo hiểm này.
Mới đây, khoảng gần 30 DN thuộc Hội Nghề cá của Đức cũng đã có chuyến khảo sát các mô hình nuôi cá tầm và cá hồi tại Việt Nam. Ngạc nhiên về sự thành công của mô hình nuôi cá nước lạnh của Việt Nam, đại diện Hội Nghề cá của Đức cho biết, đây là sản phẩm được yêu chuộng tại Đức, tuy nhiên, khí hậu của Đức quá lạnh, không thuận lợi cho quá trình nuôi, do đó sản lượng cá hồi không đủ đáp ứng nhu cầu. Vì thế, có thể các DN của Đức sẽ xem xét các cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Câu chuyện của DN này cho thấy, ngay cả một điều tưởng chừng như rất khó khăn là việc nuôi cá nước lạnh tại một nước có khí hậu nhiệt đới, mà DN vẫn có thể thành công, thì vẫn sẽ luôn có nhiều cơ hội cho các DN đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam hiện đang rất khiêm tốn. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, những năm trước đây toàn ngành nông lâm ngư nghiệp chỉ có hơn 3.000 DN, chiếm chưa đến 1% tổng số DN của cả nước. Nhưng riêng năm 2017 đã có thêm gần 2.000 DN đầu tư vào nông nghiệp. Con số từ người đứng đầu ngành nông nghiệp công bố cho thấy, DN đầu tư vào nông nghiệp đã có sự tăng lên đáng kể, song nếu so với số DN đang hoạt động tại Việt Nam, tỷ lệ DN đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa thoát ra được con số 1% ít ỏi.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các DN chưa thực sự mặn mà do còn nhiều rào cản, khó khăn khi đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là những bất cập về vấn đề hạn điền. Từ năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai Nghị định còn nhiều bất cập do nguồn lực hạn chế, quy hoạch sử dụng đất các địa phương thường xuyên thay đổi, tích tụ ruộng đất còn khó khăn, sản xuất nông nghiệp còn nhiều rủi ro bất cập, chính sách bảo hiểm nông nghiệp không hiệu quả khiến DN khó tiếp cận ngân hàng, thủ tục hành chính còn phức tạp...

Theo chuyên gia về nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, hiện nay 3 cái khó cho DN đầu tư vào nông nghiệp, đó là khó tập trung đất đai, khó khăn liên quan đến môi trường và giá trị đầu tư vào nông nghiệp rất cao. Người dân nhìn chung có tâm lý không muốn cho thuê đất, nếu cho thuê thì cũng trong thời gian ngắn và có thể đòi lại bất cứ lúc nào, trong khi đó, để sinh lời, ít nhất DN phải thuê được trong 10 năm. Bởi 3 năm đầu DN phải đầu tư cải tạo đất và đến năm thứ 7 thì bắt đầu mới hòa vốn và 3 năm sau mới sinh lời. Vì thế, nếu chỉ được thuê đất dưới 10 năm thì DN sẽ lỗ. Bên cạnh đó, DN khó liên kết với nông dân vì tổ chức đại diện cho nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, hội nông dân) rất yếu. Điều này cũng dẫn tới DN phải tiếp cận từng hộ nông dân khiến chi phí đội lên rất cao, khiếu kiện rất lớn, vì thế DN rất “oải”. 

Cần coi DN là chủ thể để cải cách nông nghiệp

Liên quan đến phát triển nông nghiệp, hiện nay phát triển nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề được sự quan tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng DN. Nhận thức đây là hướng đi tất yếu và cần phải đẩy mạnh, Chính phủ đã có nhiều chính sách để thu hút đầu tư của DN vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, hiện nay số lượng DN được công nhận là DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn rất khiêm tốn với 25 DN. Lý giải cho điều này, theo TS.Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi phải có diện tích lớn, thời hạn sử dụng lâu dài, tuy nhiên hiện nay đất đang thuộc quyền sử dụng của người dân, mỗi hộ một diện tích nhỏ, không đồng đều, DN rất khó tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn.

Tuy nhiên, bên cạnh sự “hẩm hiu” khi có quá ít DN đầu tư vào nông nghiệp, thì bức tranh thu hút đầu tư vào nông nghiệp lại có một mảng màu khá tươi sáng khi trong thời gian qua, đã có “làn sóng” tập đoàn lớn mở rộng đầu tư sang lĩnh vực này, trong đó, các DN đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp công nghệ cao. Vingroup, FLC, TH True Milk, Hòa Phát, Trường Hải Auto, FPT, T&T… các tên tuổi lớn trong lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp, thương mại… đã lần lượt ghi tên mình vào danh sách các DN đầu tư vào nông nghiệp. Điều này cho thấy, dù có nhiều khó khăn, song cơ hội sinh lời ở lĩnh vực này là rất hấp dẫn.

Theo ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giống Thái Bình, để phát triển ngành nông nghiệp cần lấy DN làm chủ thể, như yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân đã đề ra, chỉ có như vậy mới phát triển được nền nền nông nghiệp nói riêng, kinh tế của đất nước nói chung. Đây là lĩnh vực phải đối mặt với nhiều rủi ro, và việc thu thuế của 1% DN cũng không được bao nhiêu, do đó đại diện DN này cho rằng, muốn thu hút nhiều DN tham gia, nên miễn các loại thuế cho DN, như miễn thuế Giá trị gia tăng cho toàn bộ các mặt hàng nông sản mà DN tiêu thụ trong nước; miễn thuế XK cho mọi loại nông sản, đồng thời miễn thuế NK cho tất cả các thiết bị phục vụ chế biến mặt hàng nông nghiệp… Điều này sẽ tạo thêm nhiều động lực để DN tham gia đầu tư. Còn theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, cần phải tạo điều kiện cho DN tiếp cận đất đai. Cho phép DN sử dụng một phần đất trong dự án để xây kho chứa, nhà máy chế biến, hệ thống xử lý chất thải, xây dựng mô hình trình diễn… còn nếu cánh đồng canh tác một nơi, hệ thống nhà xuởng một nơi thì không thuận lợi cho DN.

DN được xem là yếu tố then chốt để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì thế, thu hút được đông đảo DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp, đưa nông nghiệp phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng. Thu hút được DN và quan trọng hơn là giữ chân được DN ở lại gắn bó với ngành nông nghiệp là bài toán đòi hỏi phải được giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ, không chỉ bằng hệ thống chính sách mà phải bằng cả quá trình thực thi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, để giữ chân DN và tạo dựng lòng tin, thì trước hết phải tập trung cải cách hành chính để DN yên tâm đầu tư vào ngành. Cùng với đó, phải phối hợp chặt chẽ, coi khó khăn của DN chính là khó khăn của ngành, của địa phương, phải xác định đồng hành với  khó khăn của DN để cùng tháo gỡ, nhất là vấn đề thị trường. Tuy nhiên, không chỉ các DN lớn, quan trọng hơn là các DN vừa và nhỏ, DN khởi nghiệp, cần huy động thêm vì đây là lực lượng nòng cốt, lực lượng chủ đạo để góp phần chuyển cơ cấu kinh tế hộ tự phát sang nền kinh tế tập trung hàng hóa, chuỗi giá trị.

TAGS :