Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Triển vọng sáng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2018

Tiếp nối thắng lợi rực rỡ trong năm 2017, bước sang 2018, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng giá trị XK nông, lâm, thủy sản đạt 37-38 tỷ USD. Đây được xem là mục tiêu tương đối khả thi, song ngành nông nghiệp cũng cần tính toán để ngày càng nâng cao giá trị gia tăng hơn nữa thay vì chủ yếu XK thô.

 

 

Nông sản khả quan

Trong số 37-38 tỷ USD tổng giá trị XK mà ngành nông nghiệp đặt ra, nhóm hàng nông sản dự kiến đóng góp 20 tỷ USD.  Theo ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Năm 2018, Cục Trồng trọt đã vạch ra các giải pháp cũng như kế hoạch sản xuất đối với từng nhóm cây trồng chủ lực. Cụ thể, với lúa gạo sẽ tập trung sản xuất các giống cây trồng chất lượng cao để nâng chất lượng, giá bán tại thị trường trong nước lẫn XK; tăng cường áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, bảo quản, chế biến nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với một số cây công nghiệp khác như cà phê, điều, chè, hồ tiêu..., quan điểm cơ bản là giữ ổn định diện tích hiện tại, riêng cây cao su, giảm dần diện tích cao su tại những vùng đất không phù hợp và duy trì diện tích cao su đến năm 2020 khoảng 950 nghìn ha. Với cây hồ tiêu, Bộ NN&PTTN, chú trọng phát triển theo hướng nông lâm kết hợp, trồng xen để tiết kiệm nước tưới và phát triển bền vững hơn; đồng thời kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm trên hồ tiêu, đặc biệt là các nhóm thuốc cấm không được sử dụng.

Một số chuyên gia nhận định, tình hình XK nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trong năm nay tương đối thuận lợi. Ví dụ điển hình có thể kể đến là mặt hàng điều. Năm 2017, ngành điều Việt Nam đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp giữ vị trí số 1 thế giới về chế biến, XK nhân điều. Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng nông dân và DN, khuyến khích sản xuất xanh và sạch hơn, chế biến sâu, phát triển thị trường nội địa và hỗ trợ XK để đưa giá trị thương mại của toàn ngành lên khoảng 3,5 - 3,7 tỷ USD.

Trên thực tế, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, nhiều đơn hàng tiêu thụ hạt điều đã được ký cho đến giữa tháng 4/2018. Tại thị trường Hoa Kỳ, hạt điều được đánh giá là đồ ăn nhẹ lành mạnh, đang dần được chế biến để trở thành sản phẩm thay thế cho bơ và sữa. Tại Ấn Độ, thị trường tiêu dùng hạt điều lớn nhất, một bộ phận tầng lớp trung lưu cũng ưa thích việc thêm hạt điều vào bánh và đồ ngọt phục vụ cho đám cưới và sinh nhật.

Lâm, thủy sản cũng không kém cạnh

Không chỉ nông sản, XK lâm sản và thủy sản cũng được nhìn nhận tương đối khả quan trong năm 2018. Những năm gần đây, XK gỗ và sản phẩm gỗ có mức tăng trưởng khá đều đặn, khoảng 10-15%/năm. Trong năm 2018, ngành lâm nghiệp đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 6,2 - 6,5%; kim ngạch XK đạt 8,2 tỷ USD. Trong năm, toàn ngành xác định tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, phát triển lâm nghiệp đa chức năng, trồng rừng gỗ lớn, gỗ quý và lâm sản ngoài gỗ; kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích sử dụng rừng, nâng cao mức đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và XK…

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu mà ngành lâm nghiệp đặt ra như trên có phần thấp. Ngay từ cuối quý IV/2017, các DN chế biến, XK gỗ đã ký được 50-60% đơn hàng trong năm 2018. XK gỗ và sản phẩm gỗ năm nay rất khả quan, ít nhất phải đạt khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. “Năm 2018, XK gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc chắc chắn sẽ tăng lên. Cụ thể, XK sang thị trường Hoa Kỳ dự kiến đạt 2,8 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 1,1-1,2 tỷ USD, Hàn Quốc và EU đều đạt khoảng 700-800 triệu USD. Ngoài ra, XK gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường mới như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khá khả quan. Bên cạnh đó, có nhiều thị trường như Nga, các nước Trung Đông, Bắc Âu… cũng bắt đầu NK gỗ Việt Nam”, ông Quyền phân tích.

Đối với XK thủy sản, dù dự kiến không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ như XK gỗ và sản phẩm gỗ, song toàn ngành cũng phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản từ 5,3 - 5,8% và kim ngạch XK thủy sản đạt 8,5 tỷ USD (tăng 1,2% so với ước thực hiện năm 2017). Theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), mục tiêu trên được đặt ra trong bối cảnh kinh tế thế giới trên đà tăng trưởng trở lại, khả năng nhu cầu tiêu dùng tăng cao hơn, trong đó có sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh việc đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế, cạnh tranh thương mại, xu thế là các thị trường NK sẽ tiếp tục duy trì nâng cao các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (trong đó có truy xuất nguồn gốc và áp dụng quy trình nuôi sạch).

Để đạt mục tiêu đề ra, trong năm 2018, ngành thủy sản định hướng sẽ phát triển đồng bộ khai thác và nuôi trồng thủy sản; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt (GAP); cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỷ lệ sản phẩm sơ chế, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng; tổ chức liên kết chuỗi từ nuôi, chế biến đến XK cá tra. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhất là sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng“ của EU; đồng thời hài hòa hóa các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế...

Nâng cao giá trị gia tăng

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan về tình hình XNK hàng hóa nói chung, nông, thủy sản nói riêng trong năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, tình hình XNK của Việt Nam vẫn còn những khó khăn, thách thức từ những diễn biến khó lường, bất ổn của tình hình quốc tế. Cụ thể như: Chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU,... có thể thay đổi nhanh và tác động đa chiều; căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể ảnh hưởng đến tài chính thế giới, ảnh hưởng đến giá cả các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu cũng như giảm nhu cầu NK các mặt hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguồn cung nông sản toàn cầu tiếp tục tăng trong khi nhiều nước đẩy mạnh các chương trình, kế hoạch thúc đẩy sản xuất, hướng tới giảm dần phụ thuộc vào nguồn NK; xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng,... Đối với nhóm nông, thủy sản, cơ bản nguồn cung đã đến ngưỡng, khó có thể tăng trưởng về lượng XK. Cùng với đó, sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK của một số mặt hàng cũng dẫn đến thiếu chủ động, tăng chi phí, phụ thuộc vào giá NK.

Xung quanh vấn đề này, một số chuyên gia cũng đưa ra nhận định: Trên thực tế, nhiều năm qua, dù có sự tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt trong năm 2017, song XK nông, lâm thủy sản của Việt Nam nói chung chủ yếu dựa vào XK hàng thô, gia tăng số lượng chứ không nâng cao giá trị gia tăng. Trong năm 2018 cũng như tương lai xa hơn, để phát triển bền vững, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa trên thị trường quốc tế.  

TAGS :