Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Thái Nguyên: Dày công phát triển thương hiệu chè

Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đã giúp chè Thái Nguyên nâng cao sức cạnh tranh

Vinanet - Kết hợp nguồn lực từ các chương trình khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại… Thái Nguyên đã và đang nỗ lực xây dựng đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng như nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm chè Thái Nguyên.
Ông Bùi Quang Huân- Chủ tịch Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên-cho biết, Thái Nguyên là vùng chè trọng điểm của cả nước với diện tích trên 22.000ha. Sản lượng hàng năm đạt trên 200.000 tấn chè búp tươi nguyên liệu. Toàn tỉnh đã phát triển trên 15 mô hình trồng chè theo quy trình VietGAP, 1 mô hình UTZ, 1 mô hình Biocer International chủ yếu là của các hợp tác xã (HTX) và hội viên hiệp hội làng nghề.

Ông Phan Bá Trường- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên- cho hay: Tỉnh hiện có 134 làng nghề truyền thống đã được công nhận, trong đó 129 làng nghề chế biến chè và hầu hết nằm ở các vùng chè trọng điểm. Một số làng nghề chế biến chè đang sử dụng chung nhãn hiệu tập thể như: Chè Thái Nguyên, chè Trại Cài, chè La Bằng, chè Vô Tranh, chè Tức Tranh ...
Năm 2016, đã có 37 sản phẩm chè được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu, trong đó 6 sản phẩm được công nhận cấp khu vực. Sản phẩm chè đa dạng về hình thức, chất lượng ngày một cải thiện.
Trong chuỗi giá trị sản phẩm chè từ trồng, chăm sóc, chế biến, thu hoạch, chế biến, phân phối ra thị trường, nhiều năm qua, Thái Nguyên rất chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu. Hiện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp 8 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm chè của tỉnh, như: Chè Thái Nguyên, chè Tân Cương; chè Tức Tranh, chè xóm 5 thị trấn sông Cầu…
Riêng nhãn hiệu chè Thái Nguyên năm 2014 đã được bảo hộ tại 3 nước Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan góp phần đưa chè Thái Nguyên thành thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam ở nước ngoài. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đã giúp chè Thái Nguyên nâng cao sức cạnh tranh, đặc biệt giá trị kinh tế tăng từ 30-50% so với trước khi được bảo hộ, đồng thời ngăn chặn nạn hàng giả, hàng nhái trên thị trường.
Để có được “tiếng thơm” trên, thông qua nguồn kinh phí khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại… Thái Nguyên đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ trồng và chế biến chè nhằm tạo ra sản phẩm sạch và an toàn. Tỉnh cũng đã tăng cường hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, chợ… tại một số vùng chè trọng điểm.
Tuy nhiên đại diện Hiệp hội làng nghề tỉnh Thái Nguyên cũng rất băn khoăn khi xây dựng và phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên còn tồn tại một số vướng mắc. Việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu còn lúng túng do các văn bản, chính sách chưa đầy đủ, thực thi chưa tốt, vẫn còn hiện tượng mượn danh chè Thái Nguyên để lưu hành chè không phải của Thái Nguyên ra thị trường. Việc ghi nhãn hàng hóa đối với sản phẩm cũng chưa đầy đủ và theo một chuẩn mực thống nhất. Các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ và thương mại hóa sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức cũng là yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Ông Bùi Quang Huân kiến nghị: Để thương hiệu chè Thái Nguyên phát triển mạnh, các cấp các ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu; tăng cường phổ biến chính sách của nhà nước về phát triển thương hiệu, hướng dẫn và đăng ký bảo hộ thương hiệu chè Thái Nguyên. Tổ chức tập huấn về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tại cơ sở giúp các hộ gia đình, làng nghề nhận thức được lợi ích từ việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Cần gắn việc xây dựng và phát triển thương hiệu với chỉ dẫn địa lý và thực hiện các quy trình sản xuất chè an toàn vệ sinh thực phẩm, hữu cơ, có chứng nhận xuất xứ; thực hiện đúng quy trình về ghi đầy đủ thông tin sản phẩm trên bao bì, đăng ký đầy đủ mã số, mã vạch.
Nguồn: Việt Nga/Báo Công Thương điện tử

TAGS :

che-thai-nguyen xuat khau che tai viet nam