Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Sản xuất xuất khẩu hoa: Mãi chưa “lớn”

Dù có nhiều lợi thế để phát triển ngành sản xuất hoa phục vụ cả thị trường nội địa lẫn XK, song những hạn chế về chính sách phát triển, đặc biệt là khó khăn cố hữu trong nguồn giống đã và đang đẩy ngành này loay hoay, mãi chưa thể “lớn” như mong đợi.

Chật vật nguồn giống

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều lợi thế sản xuất, XK hoa, đặc biệt là vùng Đà Lạt (Lâm Đồng). Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt cho hay: Thời gian qua, tình hình XK hoa Đà Lạt khá tích cực. Các thị trường XK chính là: Hà Lan, Bỉ, Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Tuy nhiên, điểm đáng nói là hoạt động XK tốt chủ yếu  nhờ vào các DN FDI khi các DN này luôn sở hữu giống mới, chất lượng cao, đồng thời có thị trường tiêu thụ ổn định.

“Hầu hết DN Việt Nam còn lại là DN tư nhân, đầu tư chưa bài bản với chủ yếu nguồn giống cũ, dòng bị thoái hóa hoặc giống không có bản quyền. Các loại giống này, thị trường quốc tế không có nhu cầu. Khi đã tham gia thị trường quốc thế, bắt buộc các giống hoa XK cũng phải có bản quyền. Ở Đà Lạt, đa số người nông dân trồng giống hoa cũ, hoa không bản quyền nên không được phép XK. Điều này đặt ra vấn đề, muốn XK được, bắt buộc phải có những DN đầu mối, công ty lớn đứng ra NK giống hoa có bản quyền về, sau đó đem trồng, XK. Việc phải trả tiền bản quyền cũng khiến chi phí cao lên”, ông Sang nói.

Trong khi XK thuận lợi chủ yếu rơi vào tay DN nước ngoài thì tại thị trường trong nước, hoa Việt cũng chẳng dễ dàng cạnh tranh với các sản phẩm NK. Theo ông Sang, ở trong nước, hoa chủ yếu phục vụ trong các dịp lễ, tết, ngày rằm... Có thời điểm, hoa về chợ hoa đầu mối ùn ứ và trở thành dư thừa. Trong khi đó, mỗi dịp lễ, tết, lượng hoa NK từ các nước về Việt Nam cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch đều rất lớn mà vẫn “đắt hàng”, chứng tỏ nhu cầu trong nước lớn. Về nguồn cơn của sự kém cạnh tranh này, ông Sang lý giải: “Quan trọng nhất là khách hàng Việt Nam đang thay đổi, thích những giống hoa mới lạ, đảm bảo độ bền, bông to, chất lượng, trưng được lâu hơn... Trong khi đó, ngành hoa Việt Nam đi sau các nước khác, chưa chủ động sản xuất những giống hoa chất lượng, đa dạng. Những giống hoa, cây cảnh truyền thống khó đáp ứng nhu cầu. Điển hình như trong dịp Tết Âm lịch, hoa truyền thống Việt Nam như mai, đào, quất,.. bị cạnh tranh và ngày càng giảm số lượng. Trước tình trạng này, người sản xuất phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Sang nói.

Nâng nội lực cho DN nội

Trước mắt, khi chưa thể tự chủ nguồn giống mới, chất lượng, để gia tăng sức cạnh tranh cho hoa Việt ở cả nội địa lẫn XK, theo ông Sang, mấu chốt vẫn là phải tiến hành NK được các loại giống tốt. “Việc NK các loại giống mới, chất lượng sẽ giúp các hộ trồng hoa giảm bớt diện tích trồng hoa giống cũ, từ từ thay đổi phục vụ nhu cầu trong nước, tiến tới XK. Điều quan trọng là làm sao tìm được các giống phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh. Khí hậu tốt thì DN không phải đầu tư nhà kính hiện đại như nước ngoài, có thể làm đơn giản hơn, chi phí rẻ hơn. Một số nước và vùng lãnh thổ như: Malaysia, Đài Loan,… trồng hoa trong nhà kính cũng khá đơn giản, song hoa đạt chất lượng XK đi với mức giá thành tương đối”, ông Sang cho hay.

Tuy nhiên, câu chuyện NK giống mới dường như cũng chẳng dễ dàng. Theo ông Sang, một số sản phẩm hoa mới tại các shop hoa cao cấp vẫn được NK về, song nếu NK giống hay cây giống của loại hoa đó thì DN gặp những rào cản nhất định. Cụ thể, giống hoa mới NK về trong nước phải tiến hành kiểm dịch thực vật, kiểm tra truy xuất nguồn bệnh... Điều đó khá tốn thời gian. Trong khi tại những nước khác, nơi sản xuất giống, các DN lớn kinh doanh lĩnh vực này đã làm khá chặt chẽ các vấn đề trên. DN mong muốn việc NK giống hoa có thể áp dụng theo nguyên tắc kinh doanh quốc tế để tạo thuận lợi tối đa cho DN.

Về lâu dài, một số chuyên gia cho rằng, đánh giá ngành hoa Việt Nam trong nước có phát triển hay không phải nhìn vào nội lực của những DN nội địa chứ không chỉ các DN ngoại. Muốn vậy, giải pháp quan trọng nhất là Nhà nước phải có những cơ chế chính sách nâng cao nội lực cho các DN, ví dụ như giải pháp hỗ trợ DN về lãi suất, vốn vay, tài sản thế chấp… Đồng tình với quan điểm này, ông Sang dẫn chứng: Các DN nước ngoài đầu tư vào ngành hoa được vay vốn ở nước sở tại với mức lãi suất thấp. Bên cạnh đó, các tài sản đầu tư để trồng hoa chất lượng, công nghệ cao như nhà kính khá lớn, khoảng 2-3 tỷ đồng/1.000m2. Ở nước ngoài, đó được coi là tài sản đảm bảo thế chấp ngân hàng để DN tiếp tục vay vốn. Ví dụ, nhà kính trị giá 2 tỷ đồng, ngân hàng sẽ cho vay khoảng 70%, khấu hao trong thời gian nhất định, hết thời gian khấu hao thì không cho vay nữa. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây không được xem là tài sản bảo đảm thế chấp…

“Trồng hoa là phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Cơ chế chính sách hiện nay chưa đủ và chưa phù hợp để phát triển nông nghiệp công nghệ cao khi DN phải đầu tư tài sản trên đất có giá trị cao. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để DN có tiền vốn tái đầu tư”, ông Sang nhấn mạnh.

Đáp lại câu hỏi của phóng viên Báo Hải quan về định hướng, giải pháp của cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy phát triển ngành hoa Việt Nam trong thời gian tới, nhất là tại Lâm Đồng, ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay: Ngành nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu nhập nội, lai tạo, chọn lọc, mua bản quyền và bảo hộ giống để tạo các nguồn giống tốt phục vụ sản xuất; bên cạnh đó, nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình công nghệ và áp dụng đồng bộ công nghệ cao trong sản xuất; ứng dụng các quy trình sản xuất an toàn nhằm tạo ra sản phẩm hoa có chất lượng tốt, đồng đều. “Giải pháp quan trọng được tính đến còn là tăng áp dụng quy trình công nghệ sau thu hoạch (xử lý, bảo bản sau thu hoạch, vận chuyển) với từng nhóm và từng loại sản phẩm theo các yêu cầu của thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm hoa, đồng thời phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi liên kết hoa của tỉnh Lâm Đồng và thu hút đầu tư trong nước lẫn quốc tế, xúc tiến thương mại”, ông Đức nói. 

TAGS :