Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Sắn trước cơ hội lần đầu vào “câu lạc bộ tỷ đô”

11 tháng đầu năm 2017, cả nước có 27 mặt hàng xuất khẩu trên tỷ USD, cao hơn 2 mặt hàng so với năm 2016. Đến hết năm 2017, chắc chắn mặt hàng sắn lần đầu tiên có mặt trong câu lạc bộ tỷ đô.

 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng sắn xuất khẩu trong tháng 11/2017 ước đạt 374 ngàn tấn với giá trị đạt 107 triệu USD, đưa tổng khối lượng xuất khẩu sắn 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 3,53 triệu tấn và 912 triệu USD, tăng 5,5% về khối lượng và tăng 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trong suốt thời gian qua và 11 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực xuất khẩu mặt hàng sắn, chiếm 88,9% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước và đạt 3,138 triệu tấn, trị giá 805,53 triệu USD, tăng 6,53% về lượng và tăng 0,45% về trị giá so với cùng kỳ.

Thị trường lớn thứ hai là Hàn Quốc, tuy nhiên trong tháng 10/2017, tốc độ xuất sang thị trường này suy giảm cả lượng và trị giá. Đây cũng là thị trường có lượng sắn xuất giảm mạnh nhất. Sang tháng 11/2017, lượng sắn xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 6.475 tấn với 1,446 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng đạt 75.307 tấn và 17,123 triệu USD.

Trước đây Malaysia không nằm trong top các thị trường chính và chỉ chiếm 1,4% tổng lượng sắn xuất khẩu, nhưng 10 tháng đầu năm 2017 lượng sắn xuất khẩu sang thị trường này tăng đến gần 30% so với cùng kỳ và tăng vượt trội so với các thị trường khác.

Sang tháng 11/2017, lượng sắn xuất khẩu sang Malaysia đạt 1.903 tấn với 673.386 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng đạt 45.649 tấn với kim ngạch 14,626 triệu USD và đưa Malaysia trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3.

Trong 11 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu sắn sang Nhật Bản chỉ đạt 65.808 tấn và 12,06 triệu USD và đã kéo thị trường này rơi xuống thứ 4.

Nhu cầu mua sắn lát của thị trường Trung Quốc vẫn có xu hướng tăng, lượng hàng tồn kho của Việt Nam và Thái Lan không nhiều sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu sắn chào hàng với giá cao trong thời gian tới.

Cuối tuần qua, giá sắn nguyên liệu ở Tây Ninh dao động từ 2.200-2.400đ/kg, Đắk Lắk từ 1.900-2.100đ/kg, Gia Lai: 1.950-2.100đ/kg... 

Hiện nay, các nhà máy của Việt Nam đang chào giá bán tinh bột sắn xuất khẩu chính ngạch trong khoảng 420-425 USD/tấn FOB cảng Tp.Hồ Chí Minh, tăng lên 80 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 9 (340-345 USD/tấn). Tại cảng Quy Nhơn giá sắn lát được chào bán giá 220 USD/tấn FOB tăng lên 5 USD/tấn so với cuối tháng 9.

Bên cạnh đó, sản lượng sắn niên vụ 2017-2018 của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đều được dự báo giảm. Theo đó, niên vụ sắn 2017-2018 được dự đoán sẽ rất khó khăn về vấn đề nguyên liệu do diện tích gieo trồng sắn tại nhiều vùng trọng điểm Việt Nam giảm mạnh, trong khi nguồn cung sắn nguyên liệu nhập khẩu từ Campuchia cũng ít hơn do nước này thu hẹp diện tích gieo trồng.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, từ ngày 15/12/2017, nhu cầu mua hàng từ phía các nhà máy Trung Quốc giảm mạnh do một số nhà máy tại tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông phải đóng cửa đến hết ngày 31/12/2017 để xử lý vấn đề môi trường. 

Mặc dù giá mua sắn củ tươi được các nhà máy của Việt Nam điều chỉnh giảm, nhưng hiện chào giá tinh bột sắn vẫn cao hơn giá chấp nhận mua của thương nhân Trung Quốc. Do vậy, giao dịch mới thành công rất ít, chủ yếu giao hàng theo các hợp đồng đã ký trước đó.

Tuy nhiên, do nguồn hàng sắn lát tại các kho cảng của Việt Nam hầu như không còn. Từ giữa tuần này, bắt đầu có hàng sắn lát Campuchia đưa về Việt Nam nhưng số lượng rất ít. 

Đối với giá sắn lát xuất khẩu, do giá cồn tại Trung Quốc đang giao dịch ở mức cao, nên giá mua sắn lát được đẩy lên. Thêm vào đó, với thông tin nhiều tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc bắt buộc phải sử dụng xăng E10 thay thế xăng thông thường kể từ đầu năm 2018, đẩy giá Ethanol từ ngô, sắn và mật rỉ tăng.

Hiệp hội Sắn Việt Nam dự báo, giá sắn lát sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, trong bối cảnh sản lượng sắn lát vụ 2017-2018 có thể giảm tới 50% so với vụ 2016-2017.

TAGS :