Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Nghịch lý nhập khẩu rau củ, trái cây

Vinanet - Trong khi các doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu rau quả, thì ở chiều ngược lại người tiêu dùng Việt cũng sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng/tháng để nhập rau quả ngoại, dù trong nước cũng có sản phẩm cùng loại, chất lượng tốt, giá rẻ.

Mặc dù rau quả Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới ngày càng nhiều, mức tăng trưởng năm sau cao hơn nhiều so với năm trước; rau quả Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Xuất khẩu rau quả năm 2016 đạt gần 2,5 tỷ USD (tăng 33,6% so với năm 2015) và  trong 5 tháng đầu năm 2017 ước đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng có một nghịch lý đang diễn ra là, trong khi các doanh nghiệp nỗ lực xuất khẩu rau quả, thì ở chiều ngược lại người tiêu dùng Việt cũng sẵn sàng chi hàng nghìn tỷ đồng/tháng để nhập rau quả ngoại, dù trong nước cũng có sản phẩm cùng loại, chất lượng tốt, giá rẻ.

Nhập khẩu rau quả tăng mạnh

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã chi hơn 924,9 triệu USD nhập rau quả các loại và trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước đã chi 316 triệu USD (khoảng 7.080 tỷ đồng) để nhập khẩu trái cây, rau quả. Ước 5 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu rau quả đạt 405 triệu USD. Với đà này, từ nay đến cuối năm, có thể Việt Nam sẽ còn chi nhiều trăm triệu USD để nhập khẩu rau quả ngoại...

Thái Lan – thị trường lớn nhất cung cấp rau quả nhập khẩu cho Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm nhập từ Thái Lan đạt 158,3 triệu USD, chiếm trên 50% kim ngạch nhập khẩu trái cây và rau quả của Việt Nam. Chứng tỏ, rau quả của Thái Lan rất hợp thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Tiếp theo là rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 19% (đạt 59,6 triệu USD), Hoa Kỳ 6,7% (đạt 21 triệu USD)  và Myanmar 4,5% (đạt 14,2 triệu USD)...

Thị phần rau quả nhập khẩu tại Việt Nam

 

Hiện tại, rau củ quả được nhập về chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Australia), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)…

Trái cây Thái Lan được người tiêu dùng Việt rất ưa chuộng, mặc dù giá cao. Chẳng hạn, mãng cầu Thái Lan bán tại siêu thị gần 500.000 đ/kg, trong khi mãng cầu Việt Nam chỉ 40.000-60.000 đ/kg dù chất lượng tương đương.

Các loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở trung tâm thành phố. Hiện tại các chủng loại như táo xanh Pháp, Mỹ, lựu Hàn Quốc được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất.

Rõ ràng đây chính là nghịch lý vì trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu vất vả kiếm từng đơn hàng để đưa trái cây Việt ra thị trường thế giới, thì một lượng lớn ngoại tệ lại phải chi cho các doanh nghiệp nước ngoài để nhập rau quả.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết: Nguyên nhân chính khiến trái cây ngoại được ưa chuộng là do người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng trái cây trong nước. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu còn hạn chế khiến trái cây Việt chưa đến được với người tiêu dùng. Ngoài ra, mẫu mã trái cây ngoại vượt trội hẳn so với trái cây Việt nên thường được người tiêu dùng lựa chọn nhiều vào những dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, tại các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Emart… rau quả ngoại chỉ chiếm trên 10% trong tổng cơ cấu hàng rau củ quả được bày bán tại kênh phân phối của họ.

Các chuyên gia cho rằng, hàng ngoại nhập gia tăng là xu thế tất yếu của hội nhập, giúp người tiêu dùng có thêm sự chọn lựa, và giúp nhà sản xuất nhận thấy được xu hướng tiêu dùng đang cần những sản phẩm như thế nào. Do vậy, để đứng vững trên sân nhà, ngành rau quả Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng, đồng thời từng doanh nghiệp, hợp tác xã phải tích cực hơn trong việc xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng dễ nhận diện và tin tưởng hơn vào hàng nội.

Việt Nam vẫn đang xuất siêu rau quả

Mặc dù lượng rau quả nhập khẩu về Việt Nam luôn tăng mạnh, nhưng các chuyên gia cho rằng hiện tượng này vẫn chưa đáng lo ngại vì Việt Nam vẫn đang xuất siêu rau quả, trong 4 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu rau quả ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2016. Ước 5 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả ước đạt gần 1,4 tỷ USD, tăng 38%. Như vậy, Việt Nam đã xuất siêu 895 triệu USD rau quả trong 5 tháng đầu năm 2017.

Hiện nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất sang 23 thị trường chủ yếu, trong đó Trung Quốc là thị trường XK rau quả lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... là các thị trường giàu tiềm năng, có nhu cầu lớn và đang có xu hướng chuyển sang đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm tới trên 74% trong tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của cả nước, đạt 759,1 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài thị trường chủ đạo Trung Quốc, rau quả của Việt Nam còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,6 triệu USD, tăng 15,6%, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất sang Nhật Bản đạt 31,5 triệu USD, chiếm 3,1%, tăng 51,5%; sang Hàn Quốc đạt 30,7 triệu USD, tăng 12,5%, chiếm 3%.

Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2016; trong đó các thị trường tăng trưởng mạnh trên 50% về kim ngạch gồm có: xuất sang U.A.E tăng trên 110%, đạt 12,4 triệu USD; Hồng Kông tăng trên 92,7%, đạt 6 triệu USD; Lào tăng 79,5%, đạt 2,5 triệu USD; Nhật Bản tăng 51,5%, đạt 31,5 triệu USD.

Thị trường tiêu thụ rau quả của Việt Nam 

 

Rau quả, trái cây Việt cần quan tâm thị trường nội địa

Các chuyên gia cho rằng, ngoài việc khai thác thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa đến thị trường nội địa. Với dân số 90 triệu dân, nếu biết khai thác tốt mạng lưới tiêu thụ thì đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ. Vấn đề quảng bá chưa được quan tâm đầu tư; bên cạnh đó, quy trình sản xuất còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao tính cạnh tranh và khẳng định lại vị thế tại thị trường trong nước, ngành sản xuất trái cây cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản... Nhà nước, các bộ, ngành cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, tài chính, đầu tư hệ thống máy móc trong chế biến và bảo quản; cùng với đó, có sự bảo trợ cho các hoạt động: Tổ chức hội chợ, xúc tiến đầu tư, chú trọng quảng bá, giới thiệu trái cây Việt tới người tiêu dùng nhằm khai thác tiềm năng thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

                                                                                                       Nguồn: cafef/Tri thức trẻ

TAGS :

nhap-khau nhap-khau-rau-cu-