Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Ngày cuối năm tại cửa khẩu Cốc Nam: Nhịp sống vùng biên giới

Đến cửa khẩu Cốc Nam- tỉnh Lạng Sơn vào dịp cuối năm, trong đợt rét đậm của những ngày tháng chạp; tận mắt chứng kiến dòng xe container nối đuôi nhau ra vào cửa khẩu, được lắng nghe những người cán bộ hải quan trải lòng về công việc của mình, tôi cảm nhận được phần nào nhịp sống của vùng biên giới và thấm thía hơn những vất vả của người cán bộ hải quan làm việc tại đây.

Hàng hóa lưu thông tăng mạnh

Cửa khẩu Cốc Nam nằm tại địa phận xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, đối diện cửa khẩu Lũng Vài, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Mặc dù là cửa khẩu phụ, song hàng hóa ra vào tại cửa khẩu tấp nập và có chiều hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam chủ yếu là trái cây tươi, thủy- hải sản, thực phẩm, sữa, bánh và một số mặt hàng nông sản Việt Nam có ưu thế. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện và hàng tiêu dùng.

Chỉ vào dòng xe đang xếp hàng chờ thông quan tại cửa khẩu, ông Nguyễn Văn Chương- Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Cốc Nam- cho biết: So với năm ngoái, số lượng xe lưu thông qua cửa khẩu mỗi ngày đã tăng gấp đôi, đạt 40-45 xe, vào dịp cuối năm có những ngày cao điểm lượng xe tăng đột biến lên đến 50-60 xe.

Cùng với số lượng xe qua cửa khẩu tăng mạnh, số lượng doanh nghiệp (DN)mở tờ khai tại cửa khẩu cũng tăng đáng kể. Năm 2017, cửa khẩu đã làm thủ tục hải quan cho gần 400 DN mở trên 30.000 tờ khai các loại, có giá trị lên tới gần 1 tỷ USD, tăng so với năm trước khoảng 50% về số lượng tờ khai và hơn 100% về tổng giá trị hàng hóa. Nhờ đó, thu ngân sách tại cửa khẩu Cốc Nam năm 2017 ước đạt 250 tỷ đồng, tăng hơn 50 tỷ đồng so với chỉ tiêu giao và tăng gần 100 tỷ đồng so với năm 2016.

Những tín hiệu tích cực của giao thương biên mậu qua Cốc Nam giúp tăng thu ngân sách cho nhà nước, nhưng đi cùng với đó cũng tạo ra những áp lực rất lớn cho những cán bộ hải quan tại đây. Để hàng hóa được lưu thông qua cửa khẩu thuận lợi, các cán bộ hải quan phải làm việc với cường độ rất cao, thời gian làm việc thường xuyên kéo dài đến 22 giờ đêm, thậm chí có ngày đến tận 24 giờ đêm mới kết thúc công việc để dùng bữa tối và trở về với gia đình. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Chương, thường xuyên làm thêm giờ cũng là cách cán bộ hải quan Cốc Nam chia sẻ với bà con nông dân. Bởi hàng hóa qua cửa khẩu chủ yếu là hàng nông sản, nếu thông quan chậm sẽ ảnh hưởng chất lượng của hàng hóa, đến hoạt động của DN và đến kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam!

Bền bỉ đấu tranh chống buôn lậu

Theo ông Nguyễn Văn Chương, thời gian qua, Chi cục Hải quan Cốc Nam đã đưa ra nhiều biện pháp, giải pháp tích cực nhằm tạo mọi điện kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục cho cộng đồng DN. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan, lực lượng chức năng trong khu vực cửa khẩu như lực lượng biên phòng, cán bộ thuế, các cơ quan kiểm dịch, chính quyền địa phương trong công tác chống buôn lậu, quản lý cửa khẩu, tăng cường kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối tắt trên tuyến biên giới, khu vực hai bên cánh gà cửa khẩu, hạn chế thấp nhất hàng lậu thẩm thấu qua biên giới vào nội địa. Bên cạnh đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, cửa khẩu Hải quan Cốc Nam thời gian qua cũng tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý cán bộ. Nhờ đó, cán bộ hải quan luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, làm tốt công tác và nhiệm vụ của mình, phục vụ DN theo phương châm “Chuyên nghiệp - minh bạch - hiệu quả”.

Nhờ đó, hàng lậu đi vào nội địa qua đường mòn, lối tắt đã được kiểm soát tốt, hàng hóa đi theo đường chính ngạch tăng mạnh, trên địa bàn, không xuất hiện các tụ điểm, ổ buôn lậu lớn. Rất nhiều vụ buộn lậu hàng qua biên giới đã được bắt giữ kịp thời, nhiều vụ gian lận thương mại cũng bị phát hiện, góp phần làm minh bạch hoạt động xuất nhập khẩu.

Mặc dù làm rất tốt công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng ông Nguyễn Văn Chương thừa nhận, rải rác đâu đó, vẫn còn có những đầu nậu đang cố tình lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cư dân biên giới, thuê họ mang vác hàng qua các đường mòn, lối tắt, tránh sự kiểm tra phát hiện của lực lượng chức năng. Vì thế, cuộc chiến buôn lậu, gian lận thương mại tại Cốc Nam chưa có ngày kết và nó có thể quay lại bất cứ lúc nào, chỉ cần lực lượng chức năng không thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời. Đó là lý do, công tác kiểm tra, giám sát vẫn thường xuyên, liên tục và được thực hiện 24/24 giờ tại 4 chốt trên tuyến biên giới. Cán bộ hải quan phải mắc võng, nằm gác dưới gió rét và mưa rừng là chuyện thường xuyên!

TAGS :