Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Kinh tế Việt Nam 2010: Lấy lại đà tăng trưởng

Vượt qua giai đoạn suy giảm và đang lấy lại đà tăng trưởng, năm qua kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng khá ấn tượng. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch và cao hơn khá nhiều mức tăng 5,32% năm 2009. Kim ngạch XK, thu ngân sách đều đạt kết quả cao, thực hiện tốt  giải ngân các nguồn vốn...

Mặc dù sau khủng hoảng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, nhưng kinh tế nước ta đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm và có mức tăng trưởng khá cao.

Tăng trưởng ấn tượng

GDP cả năm 2010 tăng khoảng 6,7%, cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,5%). Khu vực nông nghiệp tăng 2,6%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%, dịch vụ tăng 7,5%. Với kết quả này, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 5 năm 2006 - 2010 đạt khoảng 7%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.160 USD.

Vốn đầu tư phát triển năm 2010 ước tăng 12,9% so với năm 2009 và bằng khoảng 41% GDP. Kết quả giải ngân vốn Nhà nước đạt kế hoạch và có nhiều tiến bộ trong điều hành, góp phần sớm hoàn thành nhiều công trình kết cấu hạ tầng, tạo thêm cơ sở sản xuất mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục hồi tăng trưởng.

Năm qua có khoảng 85 nghìn DN dân doanh thành lập mới với số vốn đăng kí khoảng 500 nghìn tỉ đồng; bình quân đạt gần 6 tỉ đồng/DN, tăng 125% so với năm 2009, góp phần quan trọng phát triển sản xuất kinh doanh và tạo thêm nhiều việc làm mới. DN phát triển cả về số lượng và quy mô, có ý nghĩa quan trọng trong việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2010 vượt 12,7% so với dự toán và tăng 17,6% so với năm 2009, bảo đảm được các nhiệm vụ chi và góp phần giảm bội chi xuống dưới 6%, thấp hơn kế hoạch đề ra (6,2%). Dư nợ Chính phủ tương đương khoảng 44,5% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,2% GDP và dư nợ công 56,7% GDP, nằm trong giới hạn an toàn.

Chính sách tiền tệ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, cơ bản bảo đảm các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Tỉ giá được điều hành linh hoạt hơn theo nguyên tắc thị trường; thực hiện điều hành lãi suất cho vay theo cơ chế thoả thuận và theo hướng giảm dần; tăng cường  giám sát bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; kiểm soát nợ xấu dưới 3%.

Tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam năm 2010 tăng gần 21% so với năm 2009. Kim ngạch XK ước đạt 70,8 tỉ USD, tăng 24% so với năm 2009 và 17% so với kế hoạch. Kim ngạch NK cả năm 2010 ước đạt 82,8 tỉ USD, tăng 18,4% so với năm 2009.

Năm 2010, Việt Nam có 6 tháng nhập siêu trên 1 tỉ USD. Mức nhập siêu lớn nhất là tháng 2 với 1,33 tỉ USD và thấp nhất là tháng 8 với 395 triệu USD. Tuy nhiên cả năm 2010, thâm hụt thương mại chỉ ước đạt 12 tỉ USD, bằng 16,9% tổng kim ngạch XK, thấp hơn so với mức 22,5% của năm 2009. 

Vốn ODA cam kết tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (tháng 12-2009) cho năm tài khóa 2010 đạt mức kỉ lục cao nhất từ trước đến nay với mức 8,06 tỉ USD. Các nhà tài trợ tin tưởng về triển vọng phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả sử dụng vốn ODA trong phát triển của nền kinh tế nước ta. Ước thực hiện tổng mức giải ngân vốn ODA cả năm 2010 đạt khoảng 3.500 triệu USD (vốn vay là 3.200 triệu USD, viện trợ không hoàn lại là 300 triệu USD), trong đó 558,5 triệu USD là các khoản giải ngân nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao ở mức hai con số đã vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao đột biến trong năm nay. Trong đó có nguyên nhân do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng làm giá thành sản phẩm tăng cao; dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm gây ảnh hưởng tới nguồn cung; thiên tai lũ lụt tại miền Trung và một số vùng tại miền Bắc làm vận chuyển hàng hoá bị ngưng trệ; và do tỉ giá USD tăng cao dẫn đến sự tăng giá các mặt hàng NK...

Linh hoạt trong chỉ đạo điều hành

Việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô là một thách thức lớn trong năm 2010, nhưng nhờ những biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt, nhất là trong xử lí những tình huống phát sinh của Chính phủ và các bộ, ngành nên tình hình đã có bước cải thiện.

Ngay từ những tháng đầu năm, giá cả thị trường trong nước có xu hướng tăng cao, thâm hụt thương mại lớn, thanh khoản của nhiều ngân hàng khó khăn, lãi suất tín dụng cao, các DN rất khó tiếp cận nguồn vốn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn... Trước những diễn biến mới với những biểu hiện gia tăng bất ổn kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng kinh tế sang ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát ngay từ đầu năm 2010.

Chính phủ đã chỉ đạo chi khoảng 2.100 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước cho các DN vay không lãi suất để dự trữ hàng hoá phục vụ Tết; triển khai các biện pháp kiểm soát giá, thành lập các đoàn kiểm tra việc chấp hành về giá, về thuế…, góp phần bình ổn giá hàng hoá tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6-4- 2010 với nhiều giải pháp cụ thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Nghị quyết 18 và các nghị quyết khác của Chính phủ đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, theo đúng yêu cầu và tiến độ đề ra.

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã góp phần tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2006- 2010, tạo đà cho năm 2011, năm đầu có vị trí hết sức quan trọng trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2011-2020.                                                

TAGS :