Thông tin cơ bản
Tên đầy đủ | Hợp chủng quốc Hoa Kỳ |
Vị trí địa lý | Quốc gia ở Băc Mỹ, giáp Canada, Mehico và Bắc cực, Đại Tây Dương, Thái Bình Dương |
Diện tích Km2 | 9,826,630 |
Tài nguyên thiên nhiên | than, đồng, sắt, photphat, uranium, niken, bạc, dầu mỏ |
Dân số (triệu người) | 316.67 |
Cấu trúc dân số | 0-14 tuổi: 20% 15-24 tuổi: 13.7% 25-54 tuổi: 40.2% 55-64 tuổi: 12.3% Trên 65 tuổi: 13.9% |
Tỷ lệ tăng dân số (%) | 0.900 |
Dân tộc | da trắng 81.7%, da đen 12.9%, Asian 4.2%, Amerindian và Alaska native 1%, native Hawaiian và khác Pacific islvàer 0.2% |
Thủ đô | Washington, DC |
Quốc khánh | 4/7/1776 |
Hệ thống pháp luật | hệ thống luật liên bang dựa trên luật Anh, một số bang dựa trên luật Pháp |
GDP (tỷ USD) | 1566 |
Tỷ lệ tăng trưởng GDP (%) | 2.2 |
GDP theo đầu người (USD) | 49800 |
GDP theo cấu trúc ngành | nông nghiệp: 1.2% công nghiệp: 19.1% dịch vụ: 79.7% |
Lực lượng lao động (triệu) | 154.9 |
Lực lượng lao động theo lĩnh vực nghề nghiệp | Nông nghiệp, lâm nghiệp và đánh bắt cá: 0.7% Sản xuất, khai thác và vận chuyển hàng thủ công: 20.3% Quản lý, chuyên môn, kỹ thuật: 37.3% Kinh doanh và văn phòng: 24.2% Các dịch vụ khác: 17.6% |
Sản phẩm Nông nghiệp | Lúa mỳ, ngô và các loại hạt khác, rau quả, bông, thịt bò, thịt lợn, gia cầm, hàng tiêu dùng hàng ngày, cá, lâm sản |
Công nghiệp | các ngành đa dạng và công nghệ cao, dầu, thép, động cơ mô tô, vũ trụ, viễn thông, hóa chất, điện, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, dầu nhờn, khai khoáng |
Xuất khẩu (triệu USD) | 1612 tỷ USD |
Mặt hàng xuất khẩu | Nông sản (Đậu nành, trái cây, ngô), hóa chất hữu cơ, vốn (thiết bị bán dẫn, hàng không, các bộ phận động cơ mô tô, máy tính, thiết bị viễn thông), hàng tiêu dùng (ô tô, thuốc) |
Đối tác xuất khẩu | Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản |
Nhập khẩu (triệu USD) | 2357 tỷ USD |
Mặt hàng nhập khẩu | Nông sản, dầu thô, máy tính, thiết bị viễn thông, máy văn phòng, máy phát điện, bộ phận động cơ mô tô, hàng tiêu dùng (ô tô, quần áo, thuốc, đồ chơi, đồ nội thất) |
Đối tác nhập khẩu | Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản, Đức |
Nguồn: CIA 2013
· Thể chế Nhà nước - Theo thể chế Cộng hoà Tổng thống, chế độ lưỡng viện (từ năm 1789).
Hiến pháp đầu tiên được ban hành năm 1787, với nhiều lần sửa đổi, lần gần nhất vào năm 1992.
Có 50 bang, một quận và 4 đảo phụ thuộc - với 55 đơn vị hành chính lớn và 14 lãnh thổ hải ngoại, các quốc đảo phụ thuộc gồm: Gu-am, Pu-éc-tô Ri-cô, Viếc-gin Ai-xơ-len, A-mê-ri-ca Sa-moa, Bắc Ma-ri-a-na, Mít -uây, Uếch, giôn-xtơn....
Quốc hội gồm hai viện, Thượng nghị viện và Hạ nghị viện. Thượng nghị viện gồm 100 thành viên, trong đó có mỗi bang được bầu hai người bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 6 năm. Hai năm một thần 1/3 số thượng nghị sỹ được miễn nhiệm. Hạ nghị viện gồm 435 thành viên được bầu trực tiếp từ 435 khu vực cử tri, nhiệm kỳ 2 năm. Ngoài ra còn có các thành viên không có quyền biểu quyết khác của Hạ nghị viện đại diện cho Quận Cô-lôm-bi-a (nơi đặt thủ đô Oa-sinh-tơn), các quốc đảo: Gu-am, Pu-éc-tô Ri-cô, U-nai-tít Xtết. Viếc-gin Ai-xơ-len và A-mê-ri-ca Sa-moa. Quyền hành pháp liên bang thuộc về tổng thống Hoa Kỳ với thời hạn tại chức tối đa là 2 nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống và Phó tổng thống được bầu theo số phiếu của 538 đại cử tri. Đại cử tri được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Sau khi được Thượng nghị viện phê chuẩn, Tổng thống chỉ định các thành viên Chính phủ và phải được Thượng nghị viện phê chuẩn. Mỗi bang trong 50 bang đều có cơ quan lập pháp và thể chế riêng với các quyền rộng rãi. quyền hành pháp của mỗi bang nằm trong tay Thống đốc bang, được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu. Các bang của Mỹ có pháp luật riêng, nhưng không được trái với Hiến pháp Liên bang; các bang lại có Quốc hội riêng, gôm hai viện, trừ (bang Nét-ra-xca- Netraska chỉ có một viện), chịu sự chi phối của Quốc hội Liên bang.
Trong lịch sử chính trị nước Mỹ, chỉ có hai đảng thay nhau cầm quyền là Đảng Cộng hoà và Đảng dân chủ.
· Địa lý - Thuộc Bắc Mỹ. Phía đông ven biển Đại Tây Dương là dải đồng bằng, trong đó có vùng đất thấp của bán đảo Phlo-ri-đa và bờ biển của vịnh Mê-hi-cô. Tại vùng bờ biển của Vịnh Mê-hi-cô, đồng bằng ven biển rất rộng, có nơi bề ngang tới 800km.
Phía tây của đồng bằng này là dãy núi dốc đứng Blu Rít-giơ. Đây cũng là đầu phía đông của dãy núi Áp-pa-la-chi-an có rừng bao phủ. Dãy núi áp-pa-la-chi-an chạy dai 2.400km, có đỉnh cao nhất là Mít-chen, cao 2.037m. Vùng lớn nhất của Hoa Kỳ là một đồng bằng nội địa rộng, được sông Mi-si-si-pi và các sông nhánh của con sông này, gồm có các sông Mít-su-ri, A-kan-sát, nê-bra-xka, Ô-hai-ô và sông Đỏ tưới tiêu. Vùng này trải dài từ khu vực Đại hồ, ở phía Bắc, đến đồng bằng ven biển ở phía nam và từ dãy núi đá Rôc-ki ở phía tây sang dãy núi Áp-pa-la-chi-an ở phía đông. Vùng đất thấp trung tâm, tức khu vực phía đông của vùng nội địa gồm có vành đai bông ở phía nam và vành đai ngô ở phía bắc. Vùng đồng bằng lớn nằm ở phía tây của vùng nội địa. Vùng phía tây của Hoa Kỳ là khu vực cao nhất gồm dãy núi đá (Rốc-ki) ở phía đông có đỉnh En-béc, cao 4.399m, các dãy núi còn chạy lên phía bắc đến vùng A-la-xca, nơi có đỉnh Mắc-kin-lây cao nhất Hoa Kỳ, 6194m. Vành đai núi phía tây thường có động đất, nhất là khu vực dọc theo dải núi San An-đơ-rê-át Phôn-tơ ở a-ni-phoóc-ni-a. Giữa các núi là các sa mạc, trong đó có sa mạc Mô-da-ve, sa mac A-ri-dô-na xung quanh hồ mặn lớn, và khu vực lưu vực lớn của cao nguyên In-te-mông-tan-ne. 20 hòn đảo ở khu vực Ha - oai nằm giữa Thái Bình Dương là các đảo núi lửa với các núi lửa vẫn đang hoạt động. Thảm thực vật tự nhiên của Hoa kỳ đa dạng, từ thực vật lãnh nguyên ở A-la-xca đến thực vật nhiệt đới ở Ha-oai, từ rừng thông ở vùng tây -bắc, thực vật cây bụi Địa Trung Hải ở phía nam Ca-li-phoóc-ni-a đến thực vật sa mạc ở cao nguyên In-te-mông-tan-ne phía tây và thực vật đồng cỏ bắc mỹ ở mùng đồng bằng lớn.
Các sông chính: Mi-si-si-pi Mít-su-ri, 6.020km; Ri-ô Gran, 3.035m; Y-u-con, 3.185km; A-kan-sát, 2.333km, Cô-lô-ra-đô, 2.740km Cô-lôm-bia, Ô-hai-ô và Đỏ.
Hồ lớn: Su-pe-ri-ô, 82.100km2, Hu-rôn, 59.600km2, Mi-chi-gân, 57.800km2; E-ri-ơ, 25.667km2, On-ta-ri-ô, 19.100km2.
Khí hậu: Giữa các vùng có sự khác biệt lớn về khí hậu Tại các dãy núi phía sau khu vực tây - bắc của bờ biển Thái Bình Dương có khí hậu ẩm nhất. Vùng ven biển của Ca-li-phoóc-ni-a có khí hậu Địa Trung Hải ấm. Các khu vực núi chủ yếu có khí hậu sa mạc và nửa sa mạc. vùng đồng bằng lớn trong nội địa có lượng mưa hàng năm từ 250-750mm. vùng phía đông của vùng đất thấp ở trung tâm nhìn chung ẩm hơn. Phía bắc của vùng nội địa có khí hậu khắc nghiệt nhất. Phía đông có khí hậu ôn đới. Dãy núi A-pa-la-chi-an và đồng bằng ven biển phía đông có khí hậu ẩm ướt. Riêng vùng Phlo-ri-đa có khí hậu nhiệt đới. Vùng ven biển A-la-xca có khí hậu biển lạnh. Vùng nội địa và phía bắc của A-la-xca có khí hậu bắc cực. Ha-oai có khí hậu Thái Bình Dương nhiệt độ cao, ít thay đổi theo mùa.
· Văn hoá - xã hội - Số người biết đọc, biết viết đạt 97%, nam: 97%, nữ 97%.
Giáo dục bắt buộc, miễn phí 10 năm. có một số gia đình đóng tiền cho con học ở các trường tư. Chính quyền mỗi bang có trách nhiệm đối với hệ thống giáo dục của mình.
Sau khi học xong chương trình phổ thông (có tới 60% số học sinh đỗ tốt nghiệp), học sinh tham gia vào lực lượng lao động hoặc học nghề, một số thi vào các trường đại học. Hệ thống đại học ở Hoa Kỳ rất phát triển, có nhiều trường đại học nổi tiếng thế giới (như đại học Ha-vớt, thành lập từ năm 1636). Ở Hoa Kỳ có rất nhiều trường đại học tổng hợp, hệ 4 năm và hệ 2 năm. Số người lớn mù chữ còn có tới 2%.
Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về nghiên cứu khoa học cơ bản và sáng chế công nghệ, có nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới. Có nhiều nhà văn lớn như Giắc Lơn-đơn (1876 - 1916), Mác-Tuên (1835-1910), Hê-minh-uây (1899-1961). Ngành điện ảnh Hoa Kỳ cũng đứng đầu thế giới về sản xuất phim và công nghiệp điện ảnh, cả thế giới đều biết tới thành phố điện ảnh Hô-li-út, nằm ở ngoại ô Lốt-An - Giơ - lét như một tượng đài của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới.
Hoa Kỳ là nước công nghiệp duy nhất không có hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia (công cộng); mọi người dân phải đóng bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khoẻ, theo đó khi chữa bệnh thì không phải đóng bất cứ lệ phí nào. Hoa Kỳ đứng đầu thế giới về nghiên cứu và đào tạo y học. Nhà nước (bang và liên bang) quản lý các dịch vụ y tế.
Tuổi thọ trung bình đạt 76,23 tuổi, nam: 72,15, nữ: 79,67 tuổi.
Có nhiều danh thắng nổi tiếng dành cho du lịch, nghỉ ngơi và giải trí: Nhiều kiến trúc nổi tiếng ở Niu-Oóc, thủ đô Oa-sinh-tơn, Mai-a-mi, nhiều viện bảo tàng nổi tiếng, nhiều khu giải trí, sòng bạc nổi tiếng ở Lát Vê-gát, Xan Phran -xít-cô, công viên giải trí Oan Đít-nây, công viên quốc gia, quần đảo Ha-oai, vùng băng giá của người Ê-xki-mô ở A-la-xca....
·Kinh tế - Công nghiệp chiếm 18%, nông nghiệp: 2% và dịch vụ: 80% GDP.
Một con số của các con số để xem xét
Dù gì đi nữa, kinh tế Mỹ luôn đứng cao nhất hoặc cận cao nhất trong hàng loạt các xếp hạng quốc tế:
- Xếp thứ nhất về sản lượng kinh tế, còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đạt 13,13 nghìn tỷ đô-la Mỹ trong năm 2006. Với ít hơn 5% dân số thế giới, khoảng 302 triệu người, nước Mỹ chiếm 20 đến 30% tổng GDP của toàn thế giới. Riêng GDP của một bang – bang California - đạt 1,5 nghìn tỷ trong năm 2006, đã vượt quá GDP của tất cả các nước, chỉ trừ 8 nước, vào năm đó.
- Đứng đầu về tổng kim ngạch nhập khẩu, khoảng 2,2 nghìn tỷ đô-la Mỹ, gấp 3 kim ngạch nhập khẩu của nước đứng thứ hai là Đức.
- Đứng thứ hai về xuất khẩu hàng hóa – 1 nghìn tỷ trong năm 2006 - chỉ sau Đức, mặc dù theo dự báo, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2007. Đứng thứ nhất về xuất khẩu dịch vụ với 422 tỷ đô-la trong năm 2006.
- Đứng thứ nhất về thâm hụt thương mại, 785,5 tỷ đô-la trong năm 2006, lớn hơn rất nhiều lần so với bất kỳ quốc gia nào khác.
- Đứng thứ hai về chuyên chở container đường biển trong năm 2006, chỉ sau Trung Quốc.
- Đứng thứ nhất về nợ nước ngoài, ước tính hơn 10 nghìn tỷ đô-la vào giữa năm 2006.
- Là địa điểm thu hút nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài nhất – trong lĩnh vực kinh doanh và bất động sản - đạt khoảng 177,3 tỷ đô-la trong năm 2006. Đứng đầu về địa điểm rót vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của 100 tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thế giới, bao gồm cả các tập đoàn từ những nước đang phát triển.
- Đứng thứ năm về tài sản dự trữ trong năm 2005 với 188,3 tỷ đô-la, chiếm 4% thị phần thế giới, sau Nhật và Trung Quốc (mỗi quốc gia này chiếm 18%), Đài Loan và Hàn Quốc, và đứng ngay trước Liên bang Nga. Đứng thứ 15 về dự trữ ngoại hối và vàng, đạt khoảng 69 tỷ đô-la vào giữa năm 2006.
- Đứng đầu về nguồn tiền gửi tại châu Mỹ La tinh và Khu vực Caribê, chiếm khoảng ¾ trong tổng số 62 tỷ đô-la trong năm 2006, từ những người di cư khỏi các khu vực này để tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.
- Đứng thứ nhất về tiêu thụ dầu mỏ, khoảng 20,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2006 và đứng thứ nhất về nhập khẩu dầu thô với hơn 10 triệu thùng mỗi ngày.
- Đứng thứ 3 về môi trường kinh doanh thông thoáng trong năm 2007, sau Singapore và New Zealand.
- Đứng thứ 20 trên 163, cùng với Bỉ và Chilê về các chỉ số Minh bạch quốc tế năm 2006 nhằm đo lường mức độ tham nhũng (các nền kinh tế có xếp hạng thấp được xem là ít tham nhũng hơn).
Một nền kinh tế dịch vụ
Dịch vụ được sản xuất bởi khu vực tư nhân chiếm 67,8% GDP của Hoa Kỳ trong năm 2006, trong đó đứng đầu là bất động sản, dịch vụ tài chính như ngân hàng, bảo hiểm và đầu tư. Một số loại dịch vụ khác là bán buôn và bán lẻ, giao thông vận tải, chăm sóc y tế, pháp luật, khoa học, dịch vụ quản lý, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, tiêu khiển, khách sạn và dịch vụ chỗ ở, nhà hàng, quầy rượu và các dịch vụ khác về thực phẩm và đồ uống.
Sản xuất hàng hóa chiếm 19,8% GDP bao gồm các ngành: ngành chế tạo, như máy tính, ôtô, máy bay, máy thiết bị - chiếm 12,1%; xây dựng - chiếm 4,9%; khai thác dầu mỏ, khí đốt và các hoạt động khai mỏ khác - chiếm 1,9%; nông nghiệp chiếm ít hơn 1%.
Liên bang, bang và chính quyền địa phương chiếm phần còn lại – 12,4% GDP.
Những khu vực kinh tế phát triển mạnh mẽ nhất là dịch vụ tài chính, các dịch vụ chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật; chế tạo sản phẩm bền vững, đặc biệt là máy tính và đồ điện tử; bất động sản và chăm sóc y tế.
Những khu vực kinh tế có tỷ lệ đóng góp trong GDP giảm đi là nông nghiệp, khai thác mỏ, một vài ngành chế tạo khác như ngành dệt. Hội đồng Cạnh tranh đã nhận định rằng: “Vì có giá trị thấp, hàng hóa dựa trên chế tạo đang dần biến mất khỏi nước Mỹ, và được chuyển sang các nước đang phát triển nơi có thể thực hiện chế tạo hàng hóa với chi phí thấp”.
Hoa Kỳ là quốc gia hàng đầu thế giới trong công nghiệp chế tạo, các nhà máy của Mỹ sản xuất ra lượng hàng hóa có giá trị tương đương với 1,49 nghìn tỷ đô-la trong năm 2005, nhiều gấp 1,5 lần so với nước đứng thứ hai thế giới là Nhật Bản. Giá trị sản lượng nông nghiệp của Mỹ cũng chỉ đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Mặc dù hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ trong GDP nhưng các trang trại vẫn duy trì được sức mạnh kinh tế và chính trị của mình. Vào năm 2002, giá trị thị trường của sản lượng nông nghiệp Mỹ đã đạt hơn 200 tỷ đô-la, bao gồm 45 tỷ đô-la từ thịt gia súc và da bò; gần 40 tỷ đô-la từ các loại hạt như ngô, lúa mì và các loại hạt dầu như đậu nành; gần 24 tỷ đô-la từ gia cầm và trứng; 20 tỷ đô-la từ sữa và các sản phẩm bơ sữa và 12 tỷ đô-la từ cừu và lợn.
Hoa Kỳ tự sản xuất đủ phần lớn các loại sản phẩm khác. nông nghiệp được cơ khí hoá cao và tạo ra một lượng sản phẩm dư thừa đáng kể dành cho xuất khẩu. Các sản phẩm nông nghiệp có ngô, lúa mì, đậu nành, mía, lúa mạch, bông, khoai tây và nhiều loại hoa quả, trong đó có hoa quả họ chanh bưởi ở vùng Phlo-ri-đa và Ca-li-phoóc-ni-a. Trên 25% diện tích của Hoa Kỳ là đồng cỏ, thuận lợi cho chăn nuôi cừu và gia súc. Trên 30% diện tích là rừng, phục vụ cho ngành xuất khẩu gỗ đứng hàng thứ hai trên thế giới.
Mặc dù trên khắp nước Mỹ có hơn 2 triệu trang trại nhưng chỉ có rất ít tập đoàn trang trại lớn thống trị thị trường – 1,6% các trang trại trong năm 2002 nhưng chiếm một nửa tổng giá trị sản phẩm.
Hoa Kỳ cũng duy trì được trạng thái thặng dư trong thương mại dịch vụ - thặng dư 79,7 tỷ đô-la Mỹ trong năm 2006. Loại hình dịch vụ xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là hoạt động du lịch của khách du lịch nước ngoài đến Mỹ, đạt 85,8 tỷ đô-la trong năm nay.
Ngược lại, Mỹ là quốc gia có thâm hụt thương mại hàng hóa lớn và mức độ thâm hụt này đang có xu hướng tăng lên. Trong khi xuất khẩu hơn 1 nghìn tỷ đô-la hàng hóa trong năm 2006, Mỹ đã nhập khẩu hơn 1,8 nghìn tỷ cũng trong năm đó.
Hàng hóa nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô – 211,9 tỷ đô-la, và dầu thô – 225,2 tỷ đô-la. Những nước xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ là Canada, Trung Quốc, Mêhicô, Nhật Bản và Đức.
Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm 2006 là ôtô và phụ tùng ôtô, xe bán tải và máy bay dân sự. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ là Canada, Mêhicô, Nhật Bản, Trung Quốc và Anh Quốc.
Trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2006, mặc dù hàng hóa xuất khẩu của Mỹ đã tăng 33% song nhập khẩu hàng hóa còn tăng với tốc độ nhanh hơn – 52%. Thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng gần gấp đôi trong những năm này.
Thâm hụt thương mại 758,5 tỷ đô-la chiếm 5,7% GDP năm 2006 - một mức độ được nhiều nhà kinh tế coi là không bền vững vì nó dựa trên các dòng đầu tư nước ngoài đang tiếp tục đổ vào nước Mỹ.
Các khó khăn phải đương đầu
Các khó khăn trong dài hạn bao gồm việc đầu tư không thích hợp vào cơ sở hạ tầng, việc tăng lên nhanh chóng của các chi phí y tế và trợ cấp cho một dân số già, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập tạo nên khoảng cách giàu nghèo rất lớn giữa các hộ gia đình có thu nhập cao và các hộ gia đình có thu nhập thấp trong nền kinh tế.
Nền kinh tế Mỹ cũng tiêu thụ rất nhiều năng lượng – 99,89 triệu tỷ Btu (đơn vị nhiệt lượng Anh) trong năm 2005. Gần như tất cả năng lượng được sản xuất tại Mỹ đã được tiêu thụ hết, ngoài ra, nước Mỹ còn nhập khẩu rất nhiều năng lượng. Gần một phần ba nguồn cung năng lượng của Mỹ được nhập khẩu, trong đó, gần 2/3 là dầu mỏ. Trong năm 2006, nền kinh tế Mỹ đã tiêu thụ trung bình 20,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm gần ¼ lượng cung trên toàn thế giới. Sự phụ thuộc của nước Mỹ vào dầu mỏ từ bên ngoài đã trở thành một vấn đề chính trị vô cùng quan trọng.
Tương lai phía trước
Từ năm 1854, nền kinh tế Mỹ đã trải qua 32 chu kỳ tăng trưởng và suy thoái. Trong giai đoạn hiện đại, chu kỳ tăng trưởng trở nên dài hơn và chu kỳ suy thoái trở nên ngắn hơn, 10 chu kỳ từ năm 1945 đến 2001, trung bình mỗi chu kỳ tăng trưởng là 57 tháng, mỗi chu kỳ suy thoái là 10 tháng. Nếu tính cả 32 chu kì để so sánh thì trung bình chu kỳ tăng trưởng là 32 tháng còn chu kì suy thoái là 17 tháng.
Năm 2008, khủng hoảng kinh tế tài chính Mỹ đã ảnh hưởng sâu sắc tới nền kinh tế toàn thế giới. Nền kinh tế Mỹ đang đứng trước nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thuộc Hội đồng Cạnh tranh nhận định: Mỹ sẽ đóng một vai trò ít quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu là một điều không thể tránh khỏi do những thay đổi về cấu trúc giữa các quốc gia trên thế giới. Nhưng không có lý do gì để nước Mỹ không thể tiếp tục duy trì vị trí là quốc gia thịnh vượng nhất hành tinh.
(Nguồn: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ)