Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Hiệp hội và doanh nghiệp cần nỗ lực hơn

Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến 2020 đã đi vào thực tiễn hơn 1 năm (16/5/2016-16/5/2017), một số nhiệm vụ quan trọng Nghị quyết đặt ra đối với các hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện kết quả chưa thực sự tốt.

 

Theo thống kê, cả nước hiện có gần 460 hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó, có 130 hiệp hội doanh nghiệp đa ngành, hiệp hội ngành nghề hoạt động trên phạm vi toàn quốc; 330 hiệp hội hoạt động ở cấp vùng (tỉnh, huyện, thị xã); 52 tỉnh có hiệp hội doanh nghiệp, 55 tỉnh có hiệp hội doanh nhân trẻ, 21 tỉnh có hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc), còn lại là các hiệp hội doanh nhân nữ, hiệp hội doanh nghiệp thuộc các ngành nghề...

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau 1 năm Nghị quyết 35/2016/NQ-CP có hiệu lực cho thấy, chính quyền địa phương đánh giá khoảng 75% hiệp hội hoạt động phối hợp với chính quyền để tổ chức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp ở mức độ tốt, 21% ở mức độ trung bình, khoảng 5% còn yếu. Hoạt động tham gia phản biện chính sách của các doanh nghiệp ở cấp địa phương thông qua hiệp hội doanh nghiệp được chính quyền địa phương đánh giá khoảng 71% số hiệp hội thực hiện tốt, 24% hiệp hội đạt mức trung bình. Có 52 hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh đã phát huy tốt vai trò đối với hội viên. Tuy nhiên, một số hiệp hội doanh nghiệp theo quy mô, giới và các hiệp hội doanh nghiệp ở cấp huyện thì chưa phát huy được chức năng đại diện cho hội viên, không có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, hoạt động vẫn mang tính hình thức, phong trào.

Khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp về tự đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 35 tại doanh nghiệp, VCCI cho biết, khoảng 80% ý kiến của doanh nghiệp cho rằng họ đã thực hiện tốt và khá tốt các nhiệm vụ Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đề ra. Các nhiệm vụ thực hiện tốt đó là thực hiện quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu, liên kết, hợp tác kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, đánh giá thực hiện một số nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp tại Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đề ra thì doanh nghiệp lại chưa thực hiện tốt, đặc biệt là đối với việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến. Khảo sát cho thấy, chỉ có 30,5% ý kiến doanh nghiệp cho rằng mình đã thực hiện tốt nội dung này.

Theo VCCI, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang cận kề, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chưa được quan tâm đúng mức sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, việc chủ động hợp tác, liên kết của các doanh nghiệp theo ngành nghề, lĩnh vực, quy mô, địa bàn… dưới sự hỗ trợ, chắp mối của các hiệp hội doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, hiệu quả thấp. Nguyên nhân chính là do nhận thức và tính chủ động của một bộ phận doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ về các thách thức cạnh tranh, hội nhập còn chưa cao. Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, một số điều kiện kinh doanh còn chưa thuận lợi, các hiệp hội doanh nghiệp chưa hỗ trợ doanh nghiệp được nhiều vì hạn chế về nguồn lực, thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn gặp khá nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai các nhiệm vụ mà Nghị quyết 35/2016/NQ-CP đề ra đối với hiệp hội và doanh nghiệp./.

TAGS :

doanh nghiep viet nam hiep hoi doanh nghiep phong thuong mai va cong nghiep viet nam vcci