Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

EC xem xét 'thẻ vàng' thủy sản Việt Nam trong tháng 5/2018

Dự kiến, trong tháng 5/2018, sẽ có một đoàn Tổng vụ Các vấn đề biển và thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngay sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp để khắc phục 9 khuyến nghị của EC.

Trong đó, xác định nhiệm vụ ngăn chặn, chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác là nhiệm vụ trọng tâm. Đến nay, 25/28 tỉnh, thành phố ven biển ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá.

Số liệu của Tổng cục Thủy sản cho hay, trong 6 tháng qua, lực lượng kiểm ngư đã huy động 76 đợt, 157 lượt tàu xuồng, 1.979 kiểm ngư viên, 1.489 ngày bám biển tuần tra kiểm soát xử lý khai thác IUU. Quan sát 13.318 lượt tàu cá hoạt động, kiểm tra 2.217 tàu, phát hiện và xử phạt 865 tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Ra quyết định xử phạt 162 phương tiện, thu nộp 1,91 tỷ đồng. Đặc biệt xử lý nghiêm đối với 3 tàu Quảng Ngãi vi phạm vùng biển Úc và Tân Calêđônia. Các chủ tàu vi phạm đã bị xử phạt hành chính, thu bằng thuyền trưởng, thu giấy phép khai thác thủy sản; phối hợp với các lực lượng ngăn chặn 5 tàu cá tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện và xử lý 8 vụ/8 tàu cá Việt Nam hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài….

Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) – cho hay, hiện hầu như không còn tàu cá vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương. Từ ngày 23/10/2017 đến nay, chỉ còn 1 tàu khai thác vi phạm các quốc đảo Thái Bình Dương và 12 tàu vi phạm khai thác tại vùng biển trong khu vực. Ngoài ra, còn một số tàu khai thác và bị các nước bắt giữ xử phạt là do các vùng nước giáp ranh, vùng nước lịch sử chưa phân định được trong thời gian vừa qua.

Về việc hết thời hạn 6 tháng EC áp thẻ vàng đối với thủy sản khai thác Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng cho biết, từ ngày 16 - 23/5,  sẽ có một đoàn Tổng vụ Các vấn đề biển và thủy sản của EC sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC. Tổng cục Thủy sản trên cơ sở rà soát toàn bộ hồ sơ đã có và những công việc đã thực hiện từ ngày 23/10/2017 đến nay, và có các văn bản chỉ đạo 28 tỉnh cũng như các DN, các hiệp hội hoàn thiện công việc trước ngày 23/4.

Trong đó, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở, các cảng cá hoàn thiện các thiếu sót mà EC đã khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý tàu cá, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý trên biển cũng như tại cảng. Đặc biệt, là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận các sản phẩm khai thác thủy sản trên biển.

Với những nỗ lực của ngành thủy sản trong thời gian qua, Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng sẽ gỡ được thẻ vàng. Tuy nhiên, nếu chưa đáp ứng được các yêu cầu khuyến nghị mà EC đặt ra, thì EC sẽ có kết luận sau ngày làm việc từ 16 - 23/5 tới.

Hướng đến phát triển nghề cá bền vững, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 78/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025. Luật Thủy sản (mới) cũng hướng tới cải thiện nghề cá để làm sao khai thác bền vững, phù hợp với thông lệ của các tổ chức trong khu vực và thế giới.

TAGS :