Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Điều cốt lõi là hiệu quả quản trị doanh nghiệp

Không phải tỷ lệ vốn bán được, mà hiệu quả quản trị doanh nghiệp nói chung và quản lý vốn của nhà nước trong các DNNN nói riêng mới là yếu tố quyết định thành công của tiến trình CPH DNNN - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo Hải quan khi bàn về vấn đề này.

Thưa ông, ông có nhận định khái quát gì về tiến độ, hiệu quả của tiến trình CPH các DNNN?

Kể từ khi bắt đầu chủ trương CPH đến nay đã có 96,5% DNNN được CPH, nhưng tổng số vốn CPH chỉ có 8%. Như vậy là còn tới 92% vốn nhà nước chưa được CPH. Những con số này nói lên điều gì? Chúng ta đã sử dụng một quỹ thời gian rất lớn để bàn về một việc mà ai cũng công nhận về sự cần thiết, song dường như mới chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng, chậm chạp. Có phải nhiều nơi, nhiều chỗ vẫn còn mắc bệnh thành tích, chạy theo số lượng DN được CPH hay không? Việc CPH là quá khó khăn hay chúng ta vẫn cố tình trì hoãn việc bán vốn của nhà nước trong những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ? Và tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của xã hội cho phát triển kinh tế.

Nhưng tôi cho rằng nếu chỉ nhìn vào lượng cổ phần bán được để đánh giá hiệu quả của công tác này thì cũng chưa đủ, thậm chí chưa đi vào bản chất vấn đề.

Vậy theo ông, đâu mới là yếu tố cốt lõi?

Thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước mới là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta hướng đến. Hình thức sở hữu có liên quan đến phương thức quản trị, nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất. Người điều hành của rất nhiều tập đoàn lớn trên thế giới hiện nay không đồng thời là người sở hữu phần lớn cổ phần tại doanh nghiệp, thậm chí có khi không có cổ phần, mà chỉ là tổng giám đốc được thuê. Nhiều doanh nghiệp, kể cả ở những nước tiên tiến nhất, vẫn có tỷ lệ vốn góp của nhà nước và không vì thế mà hoạt động bết bát. Nhưng kể cả khi doanh nghiệp đã được quản trị tốt rồi thì công tác quản lý kinh tế vĩ mô cũng phải chuyển động đồng bộ nữa.

Nếu chỉ nói riêng khâu bán vốn tại DNNN thì ông có lưu ý gì?

Như tôi đã nói, mấu chốt của vấn đề là hiệu quả. Ở khâu bán vốn, để tạo ra dòng tiền lưu chuyển liên tục thì chúng ta không nên cố “bán lấy được”. Nói cách khác là đồng thời với việc bán vốn, cần sớm chuẩn bị địa chỉ để tiếp tục đầu tư khoản tiền đã thu về một cách hiệu quả nhất, theo đúng mục đích, tiêu chí của Luật Quản lý tài sản công, Luật Quản lý vốn nhà nước tại các DNNN.

Nhưng có thực tế là mặc dù nhà nước có nhu cầu sử dụng vốn cao, việc bán cổ phần để thu vốn về cũng rất chật vật. Nhiều lãnh đạo DNNN cho rằng nguyên tắc “bảo toàn vốn” là một quy định quá “cứng” đang làm khó họ?

Khâu định giá doanh nghiệp đúng là có những vấn đề cần chấn chỉnh. Lúc thì bỏ qua hoặc tính toán không đầy đủ giá trị của doanh nghiệp, nhất là giá trị sử dụng đất. Lúc thì lại định giá cao quá, không hấp dẫn được nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng yêu cầu “bảo toàn vốn” cần được hiểu một cách linh hoạt hơn và có tính đến yếu tố cơ hội. Hiểu nôm na là thế này, nếu bán được vốn ngày hôm nay với giá X đồng, sau đó đầu tư và thu lợi Y đồng thì nên bán, thay vì chờ đợi để bán với giá Z đồng, mà Z tuy lớn hơn X nhưng lại nhỏ hơn X+Y. Ở đây đã loại trừ khả năng tiêu cực, thông đồng để “dìm” giá, gây thất thoát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Còn việc nhà nước giữ lại một tỷ lệ vốn áp đảo trong DN do vẫn muốn giữ lại quyền kiểm soát doanh nghiệp có phải là một thực trạng khiến các nhà đầu tư không mặn mà mua cổ phần, thưa ông?

Đúng là cũng có tình trạng đó, xuất phát từ việc chưa rũ bỏ được tư duy bao cấp, muốn can thiệp sâu vào hoạt động kinh tế vi mô. Không phải chúng ta không nhìn thấy điều này. Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tách bạch công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành ra khỏi việc quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, nhưng nguyên tắc này chưa phải bao giờ cũng được quán triệt và thực thi. Về căn bản, trừ một số lĩnh vực đặc biệt mà nhà nước vẫn phải kiểm soát, ở các lĩnh vực còn lại, nhà nước chỉ nên đóng vai trò là người đặt ra luật chơi sao cho hài hoà lợi ích của tất cả các bên và đảm bảo luật chơi đó được tuân thủ đúng.

Lý giải cho tỷ suất lợi nhuận thấp, lãnh đạo các DNNN hiện nay cũng thường kêu là họ còn phải đảm đương trách nhiệm xã hội… Với những doanh nghiệp mà nhà nước vẫn giữ lại một tỷ lệ vốn nhất định, điều này có khiến cho các nhà đầu tư ngần ngại, khi mà “đồng tiền liền khúc ruột”?

Để đảm bảo tính công bằng, không làm sai lệch bài toán hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thì phải tách bạch chức năng làm kinh tế với chức năng làm công tác xã hội. Nhà nước có thể điều tiết bằng cơ chế “đặt hàng” doanh nghiệp. Nhà nước cũng cần tuân thủ nghiêm túc kỷ luật tài chính, nghĩa là chỉ chi tiêu trong khoản ngân sách mình có. Kể cả tiền bán cổ phần tại các DNNN cũng chỉ được chi đúng mục đích chứ tuyệt đối không được đem bù đắp chi thường xuyên.

Xin cảm ơn ông!

TAGS :

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Điều cốt lõi là hiệu quả quản trị doanh nghiệp