Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Chiến lược an ninh kinh tế Nga đến năm 2030

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa phê duyệt chiến lược an ninh kinh tế Nga đến năm 2030, trong đó xác định các mối đe doạ, thách thức đối với nền kinh tế, cũng như đề ra các mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ chính của chính sách nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo an ninh. 

Theo sắc lệnh đưa ra trung tuần tháng này, Chính phủ Nga sẽ phải đề ra trong vòng ba tháng sắp tới các biện pháp mang tính chất tổ chức, có phương pháp, có quản lý và cần thiết để thực thi chiến lược nêu trên. 

Trong số các thách thức và rủi ro đối với an ninh kinh tế, chiến lược nêu lên việc các quốc gia phát triển đang nỗ lực sử dụng sự vượt trội ở mức độ phát triển kinh tế và công nghệ cao như công cụ để cạnh tranh toàn cầu, sử dụng các biện pháp cô lập đối với các lĩnh vực kinh tế then chốt của Liên bang Nga, các lỗ hổng trong hệ thống tài chính LB Nga, giảm nhu cầu năng lượng, sự tụt hậu về công nghệ và mất cân bằng tài chính. 

Mục tiêu chính của chính sách đảm bảo an ninh kinh tế là nâng cao khả năng phục hồi của nền kinh tế để đáp ứng lại các thách thức bên trong và ngoài nước, đảm bảo tăng trưởng kinh tế và duy trì tiềm lực khoa học công nghệ. Các xu hướng chính để thực hiện các mục tiêu này là phát triển hệ thống quản lý nhà nước, dự đoán và hoạch định chiến lược trong lĩnh vực kinh tế, cũng như tạo các điều kiện để phát triển và sản xuất công nghệ hiện đại. 

Trong số các biện pháp để đạt được các mục tiêu này, chiến lược cũng đề cập đến việc cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch nền kinh tế, cải thiện cơ chế đáp trả trong trường hợp bị áp đặt cấm vận, tối ưu hoá các gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, khắc phục sự phụ thuộc vào nhập khẩu các thiết bị tinh vi... 

Chiến lược cũng đề xuất việc thành lập hệ thống quốc gia về quản lý rủi ro, bao gồm xác định và đánh giá những thách thức, đe doạ hiện tại và tiềm năng, cũng như đề ra các biện pháp để thực hiện chính sách quốc gia trong lĩnh vực đảm bảo an ninh kinh tế. Trong số các chỉ số về tình trạng an ninh kinh tế, chiến lược xác định các chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ GDP của Nga trong GDP thế giới, mức độ nợ công, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao trong GDP và một số chỉ tiêu kinh tế khác. 

GDP trong quý I/2017 của Nga đã tăng 0,5%, trong bối cảnh nền kinh tế của nước này đang "gượng dậy" dần từ cuộc khủng hoảng tệ hại. Con số trên cao hơn chút ít so với dự báo tăng trưởng 0,4% mà Chính phủ Nga đã đưa ra trước đó. Kinh tế Nga đã tăng trưởng lần đầu tiên trong hai năm qua trong quý IV/2016, với GDP tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước đó.

Chính phủ Nga dự kiến đà tăng trưởng trên sẽ vẫn tiếp diễn và đạt mức tăng 2% trong năm nay. Kinh tế Nga có dấu hiệu ổn định dần trong vài tháng qua sau khi "bão" khủng hoảng đã khiến sức mua của người dân giảm sút.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn

Báo “Gazeta.ru” của Nga mới đây cho biết lương của người dân nước này có dấu hiệu tăng, nhưng tình hình tài chính của người lao động không có tín hiệu gì khả quan. Lương hưu cũng đang tăng, nhưng vẫn còn cách xa các chỉ số thời kỳ trước cấm vận. Năm 2016 so với năm 2013, thu nhập của người dân đã giảm khoảng 8,4%, lương hưu giảm khoảng 17%. Theo các chuyên gia, tình trạng nghèo đói và thiếu thốn hiện hữu rõ ràng hơn, cứ bảy người Nga thì có một người sống ở mức nghèo đói. 

Mặc dù tiền lương có tăng, nhưng số lượng người dân nghèo (với thu nhập thấp hơn mức sống tối thiểu) trong năm 2016 vẫn tăng so với năm 2015 và lên tới 13,5%. Đây là con số cao hơn cả giai đoạn năm 2007-2015. Còn theo số liệu của Cơ quan thống kê nhà nước Rostat, lương của người Nga đã tăng so với năm 2015 khoảng 12% và vào khoảng 36.000 ruble/tháng. 

Trong năm 2016, tiền lương thực tế chỉ bằng khoảng 91,6% so với năm 2014 và tiền lương hưu thực tế cũng chỉ bằng khoảng 92,9% so với năm 2014. Các chuyên gia ước tính rằng trong ba năm qua, thu nhập của người dân tại “xứ sở bạch dương” đã giảm khoảng 10% so với mức năm 2013. Nhiều khu vực ở Liên bang Nga hiện chứng kiến mức sống của người dân giảm và thấp hơn so với mức trung bình. 

Theo các số liệu điều tra xã hội học, gần 70% người Nga trong năm ngoái đã phải sống tiết kiệm ở nhiều lĩnh vực: 75,7% người Nga tiết kiệm tiền mua quần áo, giày dép; 68% tiết kiệm tiền mua thực phẩm; 67,5% tiết kiệm tiền chi cho giải trí; 57,7% tiết kiệm tiền chi đi nghỉ ngơi; 38,9% tiết kiệm tiền mua thuốc; 6,3% tiết kiệm các khoản chi khác (như phương tiện giao thông, sản phẩm sử dụng được lâu dài, dịch vụ tiện ích). Xét về giới tính thì 75% phụ nữ và 65,6% đàn ông phải sống tiết kiệm. 

Xu hướng tiết kiệm cao ở mọi lứa tuổi, thậm chí là cả những thanh niên ở độ tuổi 25 (lứa tuổi được xem là chi tiêu nhiều nhất). Tất cả các thành phần trong xã hội đều phải sống tiết kiệm: từ người làm nghề quản lý cho tới các công nhân có trình độ chuyên môn thấp. Trong số các nhà lãnh đạo thì có 65% thừa nhận bắt đầu phải theo dõi việc chi tiêu tài chính trong năm 2016.

Kim Dung

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

TAGS :

Chiến lược an ninh kinh tế Nga đến năm 2030 kinh te nga