Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Cấm sản xuất gạch nung có thể giải quyết tro xỉ của điện than

Nếu tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng hết làm vật liệu xây dựng thì bài toán về tro xỉ đối với môi trường sẽ không còn là vấn đề đáng bận tâm.

Sau ô nhiễm môi trường là xử lý tro, xỉ

Nhiệt điện than vẫn được đánh giá là nguồn cung cấp điện chính cho Việt Nam bởi theo Quy hoạch triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 điều chỉnh đến năm 2020, đến năm 2025 nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than và đến năm 2030 tỷ lệ này vẫn là 53,2%.

Tuy nhiên, bảo vệ môi trường là một vấn đề được đặt ra lâu nay đối với nhiệt điện than không chỉ là ô nhiễm không khí, khói bụi mà còn có thách thức về việc xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than. 

Tính trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sử dụng nhiên liệu than cám, sẽ thải ra khoảng từ 0,9-1,5 kg tro, xỉ. Với 21 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, dự kiến sau năm 2020, cả nước có 43 nhà máy nhiệt điện. Vì thế, xử lý, tái sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện là một nhiệm vụ cấp bách. 

Theo ý kiến nhiều chuyên gia tại hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường ở Việt Nam”, ngày 29/8, việc sử dụng tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than làm nguyên vật liệu xây dựng có thể giải quyết bài toán về tro xỉ đối với môi trường.

Ông Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho biết, xét về thành phần hoá học, tro xỉ từ đốt than gồm chủ yếu là các ôxy kim loại như silic, nhôm, titan.... đều là các thành phần hữu ích để làm vật liệu xây dựng; các kim loại nặng như thuỷ ngân, chì... hầu như không có. 

“Đề nghị có phân tích để khẳng định nếu trong tro xỉ không có các nguyên tố kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì thì cần coi tro xỉ là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng, không phải chất thải độc hại", ông Nghĩa nêu ý kiến.

Còn theo ông Đào Danh Tùng, Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, nếu các nhà máy nhiệt điện được đầu tư theo quy hoạch và lượng tro, xỉ thải ra không được xử lý thì đến năm 2018 là 61 triệu tấn, đến năm 2020 là 109 triệu tấn, đến năm 2025 là 248 triệu tấn và đến năm 2030 sẽ là 422 triệu tấn.

Điều này tạo ra những thách thức cho đất nước phải sử dụng diện tích đất khổng lồ để làm bãi chứa và nhiều áp lực môi trường khác, nguy cơ các nhà máy phải dừng sản xuất do không có đủ bãi chứa là một thực tế.

Cấm sản xuất gạch nung 

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã chủ động tích cực nghiên cứu, đầu tư công nghệ để có thể sử dụng tro, xỉ thạch cao thay thế nguyên liệu trong sản xuất vật liệu xây không nung, sản xuất xi măng, bê tông. 

Tuy nhiên, lượng tro, xỉ được xử lý và đưa vào sử dụng còn hạn chế. Thực tế, tổng lượng tro xỉ, thạch cao chỉ tiêu thụ được vào khoảng hơn 30% (tương đương 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hàng năm. 

Ông Tùng cho rằng, do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý sử dụng tro, xỉ, thạch cao; các cơ sở phát thải chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và tro, xỉ, thạch cao cũng chỉ cần lưu chứa mà không chuẩn bị để xử lý, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng hoặc dùng cho các công trình xây dựng. 

Thêm vào đó, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro xỉ trong sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải chưa đi vào thực tế, hoặc chưa có chế tài đủ mạnh, làm cho việc cung cấp, vận chuyển, sử dụng tro, xỉ, thạch cao chưa được đẩy mạnh… 

Do vậy, ông Bùi Văn An, Trưởng phòng an toàn Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 kiến nghị, các bộ, ngành trung ương cần sớm ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro xỉ trong việc san lắp mặt bằng, xây dựng và hỗ trợ trong việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về việc sử dụng sản phẩm làm từ tro xỉ trong xây dựng (như gạch không nung, bê tông đầm lăng, phụ gia trong bê tông tươi…). 

Bổ sung thêm thông tin, ông Nghĩa dẫn chứng, năm 2003, Chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm sản xuất gạch nung, mỗi năm Trung Quốc cần 600 tỷ viên gạch nên cả nước Trung Quốc lao vào sản xuất gạch không nung, tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện cũng được sử dụng đến mức tối đa. Theo các báo cáo của Nhật, Hàn Quốc thì tro xỉ của nhà máy điện ở những nước này cũng được sử dụng hết. 

Ông Trương Duy Nghĩa khẳng định: “Chúng tôi tin rằng khi Chính phủ có lệnh cấm sản xuất gạch nung thì tro xỉ của các nhà máy điện sẽ được tận dụng hết như các nước khác trên thế giới. Như vậy nếu tro xỉ của nhà máy nhiệt điện đốt than được dùng hết làm vật liệu xây dựng thì bài toán về tro xỉ đối với môi trường sẽ không còn là vấn đề đáng bận tâm. Vấn đề chỉ còn là chính sách ở tầm vĩ mô”.

TAGS :