Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Bộ KH&ĐT đề xuất "trảm" gần 2.000 điều kiện kinh doanh

Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong báo cáo về thực trạng của hệ thống quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh lên Thủ tướng Chính phủ mới đây đã mạnh dạn đề xuất bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh trên tổng số hơn 4.000 điều kiện kinh doanh đang được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. 

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, hiện nay, tổng số các điều kiện đầu tư kinh doanh tương ứng với 243 ngành nghề là khoảng 4.284 yêu cầu, điều kiện, thuộc phạm vi quản lý của 15 bộ, được quy định ở 237 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 66 luật, 3 pháp lệnh, 162 nghị định, 3 hiệp định.

Cho rằng hệ thống các quy định về điều kiện kinh doanh hiện hành còn nhiều bất cập, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, tạo nhiều rủi ro lớn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động,  giảm động lực đổi mới sáng tạo, giảm năng suất và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra cơ hội cho sự tùy tiện và nhũng nhiễu của một số cán bộ thực thi công vụ, Bộ KH&ĐT đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó nổi bật nhất là đề xuất xóa bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh, tương đương gần ½ số điều kiện kinh doanh hiện có. 

Cụ thể, Bộ đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính, 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm, 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch và bãi bỏ toàn bộ cácđiều kiện về nhân lực, trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, ví dụ như nghề y, nghề kiểm toán đồng thời bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện có nội dung không phù hợp khác.

Theo Bộ KH&ĐT, so với các tiêu chuẩn của OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển) thì chất lượng thể chế về kinh doanh của Việt Nam còn ở mức thấp. Do đó, trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD và để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, vừa bảo vệ tốt nhất người dân và môi trường, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, bên cạnh đề xuất bãi bỏ một khối lượng lớn điều kiện kinh doanh, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ thay đổi cách thức quản lý kinh doanh theo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của OECD. 

Cụ thể, cần thay các điều kiện có tính chất tiền kiểm, chi phí lớn bằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn (an toàn cháy nổ, an toàn lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, v.v.); đồng thời ban hành các tài liệu hướng dẫn tuân thủ chi tiết, rõ ràng để giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, cần chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể, Nhà nước cho phép doanh nghiệp tự kiểm tra sản phẩm và công bố hợp chuẩn, hợp quy. Nhà nước thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm, dịch vụ để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất triệt để áp dụng quản lý theo hướng quản lý dựa trên rủi ro để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí. Bên cạnh đó, Chính phủ xây dựng hệ thống thông tin về DN và sản phẩm để có thông tin về tuân thủ pháp luật, thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi; cung cấp thông tin đầy đủ về DN và sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn và tự bảo vệ mình. 

Trao đổi về vấn đề này bên lề Tọa đàm về môi trường kinh doanh tổ chức sáng này 23/8, ông ông Ngô Văn Điểm, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, đề xuất này nếu được thực hiện sẽ đem lại thuận lợi cho DN, không những về tiền bạc mà còn chi phí về thời gian. Để làm được đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, ông ví von, “để thực hiện thì quyết tâm 1, hành động phải 10 và giải pháp thực hiện phải 20”. 

Nếu thực hiện được như đề xuất của Bộ KH&ĐT thì cộng đồng DN vô cùng phấn khởi, vì Chính phủ đã đồng hành cũng DN. DN cam kết với Chính phủ sẽ cắt giảm chi phí của DN để hiệu quả kinh tế cao hơn, để góp phần phát triển đất nước.

Theo ông Ngô Văn Điểm, cắt giảm giấy phép con, điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ của các cơ quan công quyền. Để làm được điều này, một là như Chính phủ đề ra, các bộ ngành tự rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý, điều này đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn mới làm được. Bên cạnh đó phải có biện pháp để kiểm tra xem các bộ, ngành có cài cắm lợi ích của mình trong ban hành các chính sách hay không, theo đó ông Ngô Văn Điểm cho rằng cần một tổ tư vấn tương đối độc lập để tư vấn cho Thủ tướng về những vấn đề liên quan. 

TAGS :