Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giữ đà tăng dịp giáp Tết

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2018 ước tính đạt 361,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất.

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 ước tính đạt 272.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 4,1% và tăng 7,5%; may mặc tăng 4,4% và tăng 7,5%; phương tiện đi lại tăng 2,9% và tăng 5,6%…Một số địa phương có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hà Nội tăng 16,2%; Hải Phòng tăng 13,6%; Bắc Ninh tăng 13,1%; Đà Nẵng tăng 13%…

Khác với nhiều năm trước, giá cả tiêu dùng tháng 1/2018 là tháng giáp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất không tăng nhiều (mức tăng CPI là 0,51%) dù nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 dự kiến sẽ gia tăng bởi đây là thời điểm trùng với Tết Mậu Tuất. Theo Bộ Công Thương, đến thời điểm này, nguồn cung hàng hoá được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị trên cơ sở bám sát với nhu cầu thị trường, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Bên cạnh nguồn cung từ các chợ truyền thống, các siêu thị, trung tâm thương mại cũng đẩy mạnh việc cung ứng hàng tươi sống (thực phẩm tươi sống và rau, củ, quả) vào hệ thống phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo báo cáo sơ bộ, lượng hàng hóa được các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh tại các địa phương chủ động chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt hơn 270.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước.

Các Bộ ngành cũng đang nỗ lực phối hợp kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ dự báo sẽ có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, phản ánh trung thực về cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Mậu Tuất.

TAGS :