Bộ đếm Web miễn phí

Danh mục ngành hàng

  • slider
  • slider
  • Xuất khẩu vải thiểu
  • Noel
  • ns

Áp lực tăng tỷ giá cuối năm

Nhiều tháng qua, tình hình tỷ giá ngoại tệ giữa USD và VND tại thị trường trong nước có sự ổn định cần thiết, mặc cho tỷ giá thế giới nhiều thời điểm tăng giảm khá mạnh. Nhờ đó, những dự báo tình hình tỷ giá trong 2 tháng cuối năm rất khả quan.

 

rái chiều

Điều dễ nhận thấy là tình hình tỷ giá nhiều tháng nay đã có sự tăng giảm trái chiều giữa tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại cũng như trên thị trường tự do. Tới thời điểm ngày 25/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 22.448 VND/USD, chỉ cách mốc cao nhất của tỷ giá trung tâm từ trước đến nay là 2 đồng. Như vậy, so với đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 1,3%.

Trong khi đó, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại rất ổn định, chỉ tăng giảm trong biên độ hẹp, từ 5-10 đồng. Hiện tỷ giá được giao dịch quanh mức mức 22.690/22.760 VND/USD (mua vào/bán ra) trên thị trường chính thức và 22.720/22.740 VND/USD trên thị trường tự do. Theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 8 tháng đầu năm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã giảm 0,18%, tỷ giá trên thị trường tự do giảm 1,56% so với đầu năm.

Cuối tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đưa ra quyết định tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức 1-1,25% đã khiến USD tiếp tục tăng giá, sau khi giảm xuống mức giá thấp nhất vào đầu tháng 9 (chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm 9,3% so với cuối năm 2016). Dù vậy, tại thị trường trong nước, tỷ giá USD chỉ “gợn sóng” nhẹ, hầu như không đáng kể.

Nhận xét về tình hình tỷ giá như trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá trên thị trường phụ thuộc vào yếu tố cung – cầu, thị trường ngoại tệ trong nước cân bằng được 2 vấn đề này nên giữ được sự ổn định. Theo đó, ngoại tệ trong nước khá dồi dào nhờ nguồn cung từ kiều hối, hoạt động xuất khẩu, lượng dự trữ ngoại hối dồi dào của NHNN. Đặc biệt, thị trường ngoại tệ ổn định còn nhờ chính sách điều hành theo hướng linh hoạt, tránh những biến động mạnh của NHNN. Không những thế, lãi suất tín dụng ổn định, tình hình lạm phát ở mức thấp, thoái vốn tại các DN Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công… đều có dấu hiệu tích cực, giúp căng thẳng lên tỷ giá được giảm đi đáng kể.

Vẫn nhiều áp lực

Ngay từ những tháng giữa năm 2017, nhiều chuyên gia đã lo ngại về đợt tăng mạnh của tỷ giá trong những tháng cuối năm, bởi tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới còn nhiều biến động; hơn nữa, nhu cầu ngoại tệ vào thời điểm cuối năm sẽ tăng vọt khi DN và ngân hàng phải trả nợ, thanh toán hết hợp đồng và nhập khẩu hàng hóa cho các dịp lễ, Tết.

Theo đó, áp lực lớn nhất của tỷ giá đến từ động thái của Fed, khi cơ quan này tuyên bố dự kiến sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất chính sách vào tháng 12, đồng thời bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản từ tháng 10/2017 tới đây. Bên cạnh đó, với những biến động chính trị trên thế giới, giá vàng có thể sẽ có chiều hướng tăng lên bởi đây luôn là “hầm trú ẩn tài sản” an toàn nhất, vấn đề là giá vàng tăng có thể sẽ kéo theo sự tăng lên của tỷ giá USD.

Tại thị trường trong nước, theo các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, chính vì tỷ giá đi ngang và bám sát với đồng USD nên VND lại mất giá mạnh so với hầu hết các ngoại tệ khác, trong đó, đồng Euro tăng 14,24%, đồng Bảng Anh tăng 6,75%, đồng Yên Nhật tăng 8,35%, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 6,79%... Vì thế, áp lực ngoại tệ đang lớn dần lên VND. Bên cạnh đó, đến hết tháng 8/2017, mặc dù xuất khẩu tăng vọt giúp nhập siêu chỉ còn ở mức 842 triệu USD nhưng đây vẫn sẽ tạo lên áp lực về nguồn cung ngoại tệ cho những tháng cuối năm.

Nói thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ giá tại thị trường trong nước trong tháng cuối năm có thể tăng tới 1%. Bởi bên cạnh những nguyên nhân nêu trên, vị chuyên gia này nhận định, tỷ giá còn chịu áp lực trước nợ công và nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ của DN. Bởi hiện nay, tín dụng ngoại tệ ước tăng 11,5%, cao hơn đáng kể so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016, điều này không những khiến NHNN phải ban hành chỉ thị yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt tín dụng ngoại tệ mà còn tăng áp lực lên nguồn cung ngoại tệ ra thị trường.

Có thể thấy, sự ổn định của tỷ giá như hiện nay đang góp phần tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế, giúp DN giảm lo ngại về chênh lệch tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu; mặc dù tỷ giá được dự đoán sẽ đi lên nhưng mức độ sẽ trong tầm kiểm soát của NHNN. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý mà ở đây là NHNN có thể sẽ phải cần thêm lộ trình để điều chỉnh tỷ giá trung tâm nhằm hỗ trợ xuất khẩu và tránh các cú sốc trong tương lai khi đồng USD tăng giá trở lại. Do đó, sự ổn định là cần thiết nhưng những biện pháp đề phòng và phải liên tục tìm ra phương thức điều hành hợp lý là điều nên làm và phải làm với các cơ quan quản lý.

TAGS :